Gian nan lập nghiệp
Hiện nay, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (HTX Tân Thọ) đang tạo việc làm cho hơn 500 lao động địa phương có thu nhập ổn định, đồng thời sở hữu 3 sản phẩm OCOP. Theo chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (xã Trung Chính, tỉnh Thanh Hóa), khi chính quyền địa phương có chủ trương phát động khôi phục nghề mây tre đan truyền thống, chị đã vận động bà con nhân dân trong xã đi học nghề. Tuy nhiên, sau khi học nghề và tạo ra các sẩn phẩm thủ công thì thị trường tiêu thụ chậm, giá cả thấp, hạn chế nên nhiều người dần bỏ nghề.
![]() |
HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là người yếu thế. |
Năm 2007, một tổ chức phi chính phủ tài trợ chương trình nâng cao quyền tự chủ cho phụ nữ, chị Thắm cùng một số chị em phụ nữ đã tích cực tham gia. Chương trình hướng đến mục tiêu khôi phục nghề mây tre đan truyền thống, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Chị Thắm cho biết, ban đầu khởi nghiệp, các sản phẩm mây tre đan làm ra được cung cấp cho một đơn vị chuyên xuất khẩu, nhưng thu nhập lại quá thấp. Những tháng đầu tiên, giao hàng cho đơn vị xuất khẩu nhưng tính ra thu nhập thì mỗi tháng chị nhận được chưa đến 100 nghìn đồng/tháng.
Nghề mây tre đan không mang lại hiệu quả như mong muốn, chị Thắm lại cùng mọi người ra Ninh Bình học nghề đan cói. Ban đầu nghề đan cói cũng giúp chị và bà con có thu nhập nhưng vì nhiều lý do như: đầu ra, giá cả, tính chủ động về hàng hóa...đã khiến chị cùng bà con quyết định nghỉ việc đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói. Thương bà con, chị lại tìm các công việc khác thay thế như: khâu bóng thể thao, làm cơi trầu...nhưng cuối cùng thì lại quay về nghề đan lát truyền thống vốn dĩ quen thuộc với bà con.
Để chủ động đầu ra, chị Thắm cùng bà con thànhh lập HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ năm 2010, các sản phẩm được chị cùng mọi người trực tiếp tiếp thị chứ không qua đơn vị trung gian. Mặt hàng chính lúc bấy giờ của HTX là giỏ tích đựng ấm trà.
![]() |
Giỏ đựng tích trà là sản phẩm tạo nên thương hiệu của HTX Tân Thọ. |
Chủ động trong việc tìm kiếm nơi xuất sản phẩm, chị Thắm đã mang các sản phẩm đến các hội chợ thủ công trong và ngoài tỉnh để giới thiệu. Chị kiên trì giải thích về chất lượng, nguyên liệu, công dụng của sản phẩm đến những người bán hàng, đồng thời cam kết, hàng không bán được chị sẽ thu hồi lại, không để người bán phải chịu lỗ. Với cách làm kiên trì, sản phẩm chất lượng tốt nên có những ngày chị Thắm bán được hơn 30 triệu tiền hàng.
Ngoài mặt hàng là giỏ tích đựng ấm trà, chị cùng bà con trong HTX Tân Thọ còn nghiên cứu các mặt hàng mỹ nghệ đang được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, HTX còn nhận đơn hàng theo yêu cầu, mẫu mã của các doanh nghiệp. Thường xuyên tư vấn thay đổi mẫu mã, chất liệu, kích thước các loại sản phẩm theo thị hiếu thị trường.
Bằng tất cả tâm huyết, sự kiên trì bền bỉ, chỉ trong thời gian ngắn, các sản phẩm của HTX Tân Thọ đã phủ sóng trên toàn quốc. Có nhiều thời điểm, mỗi tháng HTX xuất đi hàng nghìn sản phẩm khác nhau.
Hợp tác xã của người yếu thế
Điều đặc biệt của HTX Tân Thọ nằm ở chỗ, những thành viên trong HTX có hơn 80% là những người phụ nữ lớn tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân...Nhưng những sản phẩm họ làm ra đều là tâm huyết và sự khéo léo của đôi bàn tay. Họ tìm đến nhau để gây dựng lên một mái nhà chung, một mái ấm với tình thương, sự sẻ chia để đứng lên mạnh mẽ trước những nghịch cảnh của cuộc sống.
Những thành viên trong HTX đều được đào tạo nghề miễn phí. Đối với những người yếu thế trong xã hội, việc là thành viên, được làm việc trong HTX Tân Thọ chẳng khác nào như đang ở trong chính gia đình ruột thịt của mình. Ở đây mọi người được làm việc, được ghi nhận, yêu thương và có thu nhập ổn định từ chính công sức mình bỏ ra. Với chị Thắm, khi đã là thành viên của Hợp tác xã “sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”.
![]() |
Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX Tân Thọ được tạo nên từ nhưng đôi bàn tay tài hoa, khóe léo của người lao động. |
Điển hình cho sự đùm bọc, yêu thương và sẻ chia của HTX Tân Thọ đối với thành viên như trường hợp của chị Thơm. Mặc dù là một phụ nữ đơn thân, mang đôi chân tật nguyền bẩm sinh nhưng chị Thơm đã vượt lên nghịch cảnh, mang trong mình nghị lực sống phi thường.
"Cơ thể không lành lặn, hoạt bát như bao người nhưng chị Thơm là phụ nữ có ý trí, khát khao và nghị lực sống mãnh liệt. Chị Thơm là chỗ dựa duy nhất cho mẹ già, đứa cháu mồ côi và cậu con trai đang là sinh viên theo học ở Hà Nội. Ngoài quán tạp hóa nhỏ ngoài đầu làng để kiếm thêm đồng mắm, đồng muối nuôi gia đình. Khi nhàn rỗi chị Thơm lại ra đồng làm thuê các công việc đồng áng, tối đến lặng lẽ ngồi đan lát từng sản phẩm mây tre đan. Nhờ có nghề đan lát trong tay, mỗi tháng chị Thơm cũng thu nhập từ 4- 5 triệu đồng. Đó cũng là minh chứng cho sự lao động không biết mệt mỏi và để khẳng định rằng, chị Thơm không phải là gánh nặng cho xã hội dù bản thân chịu nhiều thiệt thòi" - chị Thắm trầm lặng kể.
Hiện nay, HTX Tân Thọ đang sở hữu 3 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Đĩa cói, sọt cói, chậu cói. Trung bình mỗi năm HTX đã xuất khẩu các sản phẩm như: thùng đựng đồ, thảm, dép, túi xách, giỏ xách hoa quả, rổ rá, đĩa để đồ...với doanh thu hàng chục tỷ đồng. Những sản phẩm do HTX sản xuất ra chủ yếu khẩu sang thị trường nước ngoài như: Đức, Mỹ...
![]() |
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX Tân Thọ đã xuất khẩu ra các thị trường khó tính trên thế giới. |
Từ một cơ sở nhỏ lẻ, đến nay, HTX Tân Thọ đã vươn lên mạnh mẽ, có tiếng tăm trong ngành hàng thủ công mỹ nghệ. HTX Tân Thọ thường xuyên tạo công ăn việc làm ổn định cho 500 lao động địa phương với mức thu nhập từ vài trăm nghìn đồng đến 7 triệu đồng/tháng.
Những sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ do HTX Tân Thọ làm ra, không chỉ mang lại thu nhập cho người nông dân mà nó còn khẳng định, phát huy những giá trị văn hóa do cha ông để lại.