![]() |
Ấm lòng tấm biển "Bếp ăn hỗ trợ bà con bị ngập lụt" được đặt bên Quốc lộ 7. (Ảnh: Việt Hòa) |
Nấu miễn phí đến khi bà con “vào được nhà, đỏ được bếp”
Ở Làng Nhùng, xã Tam Quang, đến gần trưa 25/7, đường vẫn ách tắc cục bộ từng giờ do bùn đất dày hàng mét vẫn chưa thể san gạt hết. Cứ chừng 5 đến 10 phút, lực lượng chức năng lại phân luồng, mở lối để cho phương tiện và người dân lưu thông qua.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang, bà Kha Thị Hiền đang chỉ đạo công tác khắc phục tại hiện trường cho biết: Mưa lũ đã khiến vùng bãi Xa, làng Nhùng bị ngập sâu, hàng trăm hộ dân bị thiệt hại nặng nề về tài sản.
![]() |
Người dân, lực lượng chức năng xã Tam Quang nỗ lực thu dọn bùn đất trên Quốc lộ 7. (Ảnh: Việt Hòa) |
"Những ngày qua, các lượng lượng xã, tỉnh, đơn vị quản lý đường bộ đang nỗ lực thông tuyến ở vị trí bị ngập sâu, dày đặc bùn đất. Chắc cũng hết đêm nay mới tạm ổn. Dẫu công việc khắc phục mưa lũ gặp nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng người dân và các lực lượng đều ấm lòng vì có bếp ăn 'dã chiến' mọc lên nấu những suất cơm miễn phí cho bà con bị ngập lụt", bà Hiền cho hay.
![]() |
Người có ý tưởng mở bếp ăn "dã chiến" này là cô Trần Thị Giang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2. (Ảnh: Việt Hòa) |
Người có ý tưởng mở bếp ăn này là cô giáo Trần Thị Giang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2. Tấm biển để ngay bên Quốc lộ 7 với dòng chữ: “Bếp ăn hỗ trợ bà con bị ngập lụt, rất mong sự sẻ chia của mọi người” khiến mỗi ai khi đi qua vô cùng xúc động và ấm lòng.
![]() |
Mỗi ngày bếp ăn nấu hàng trăm suất cơm miễn phí phục vụ bà con vùng lũ. (Ảnh: Việt Hòa) |
Đang tất bật chuẩn bị các suất cơm trưa, cô Giang chia sẻ: Mỗi ngày bếp nấu phục vụ 3 bữa sáng, trưa, tối với hàng trăm suất cơm. Bà con trong vùng vừa đóng góp kinh phí, vừa cùng nhau tổ chức nấu ăn.
![]() |
Bếp sẽ nấu cho bà con đến khi ‘vào được nhà, đỏ được lửa’. (Ảnh: Việt Hòa) |
“Mưa lũ đã làm đảo lộn mọi thứ, thương nhất là những gia đình bị thiệt hại hoàn toàn. Chúng tôi hi vọng những suất cơm miễn phí như thế này sẽ tiếp thêm động lực cho bà con sớm vượt qua khó khăn trước mắt. Bếp sẽ nấu cho bà con đến khi ‘vào được nhà, đỏ được lửa’ thì thôi” cô Giang xúc động nói.
![]() |
Cán bộ UBND xã Yên Na tự nấu ăn để phục vụ bà con địa phương "chạy lũ". (Ảnh: BT) |
Ấm áp bữa cơm “chạy lũ”
Trưa 23/7, bữa cơm đầu tiên chạy lũ của bà con bản Vẽ, xã Yên Na đã diễn ra trong không khí ấm áp, yêu thương ngay tại nơi tạm trú là điểm trường học trên địa bàn. Bữa ăn ngày tránh lũ có canh, thịt kho và xôi. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã lấp lánh tình người, sự sẻ chia, trách nhiệm của chính quyền địa phương với bà con dân bản.
Để có bữa cơm này, chính quyền xã Yên Na đã trích nguồn kinh phí dự phòng, tự tổ chức nấu ngay tại khuôn viên trường học.
![]() |
Bữa cơm yêu thương chính quyền xã Yên Na dành tặng bà con bản Vẽ chạy lũ. (Ảnh: BT) |
Bà Vy Thị Thẩm (66 tuổi) tâm sự: Chúng tôi được xã di chuyển đến nơi ở an toàn, được lo bữa ăn nên rất yên tâm, phấn khởi. Ai cũng vui vẻ và cảm động về tinh thần trách nhiệm với dân của cán bộ xã.
Đến chiều tối 24/7, nước rút, bà con đã bắt đầu lục đục kéo về dọn dẹp, sửa sang lại chốn ở đã ngâm chìm trong nước lũ hơn 1 ngày đêm. Trong khi đó, ở nhiều bản làng khác, lũ lụt làm thiệt hại nặng nề hơn, đang phải vật lộn với hậu quả của thiên tai để ổn định cuộc sống.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Na, bà Vy Thị Bích Thủy kể: Bà con tự phát động làm, họ làm bằng cái tâm, cái trách nhiệm và tình thương của những con người chứng kiến hoạn nạn. Nhiều người còn xung phung ra các bản, các xã bị ngập nặng ở vùng ngoài, hỗ trợ dọn dẹp bùn đất. Tinh thần ấy, rất đáng trân trọng.
![]() |
Bí thư Đảng ủy xã Yên Na, bà Vy Thị Bích Thủy ân cần hỏi thăm người dân. (Ảnh: BT) |
Hôm nay, ngày mai và nhiều ngày nữa… vùng ngập lũ ở các bản làng miền Tây xứ Nghệ vẫn còn bộn bề, ngổn ngang sau lũ. Thế nhưng, một điều rất đỗi tin yêu là người dân vùng lũ không hề đơn độc trong những ngày khắc phục hậu quả.
Những bữa ăn thiện nguyện chẳng thấp tháp vào đâu nhưng đã gói ghém bao niềm yêu thương, sự sẻ chia, động viên dành cho bà con. Cuộc sống đôi khi chỉ cần thế cũng là quá đủ để mỗi người tự tin bước về phía trước, dẫu cho dưới đôi chân mình hãy còn rất gập ghềnh, chông gai.