![]() |
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long, Bội đội Biên phòng Cao Bằng hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía cho năng suất. Ảnh Quốc Sơn. |
Gắn bó máu thịt với đồng bào
Trên đường đi thăm một số gia đình, Trung tá Hầu Văn Đồng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đức Long, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng kể với tôi nhiều việc làm mà cán bộ, chiến sỹ biên phòng đơn vị mình đã tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả để phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới. Nào là việc cán bộ, chiến sỹ đồng hành với đồng bào xoá đói, giảm nghèo, triển khai các mô hình, chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá nhà tạm, nhà dột nát, rồi chuyện về “Con nuôi đồn biên phòng – nâng bước em đến trường”, phụng dưỡng các mẹ là vợ liệt sỹ… Anh bảo “Tất cả các việc làm đều được cán bộ, chiến sỹ biên phòng chúng em làm tận tâm, tận lực bằng nhiệt huyết và trách nhiệm đối với đồng bào biên giới, với một tâm thức tựa lời thề: Biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Đến thăm bà Lương Thị Lù, năm nay đã 83 tuổi, ở xóm Bản Viện, xã Đức Long là vợ liệt sỹ, ông Đinh Tiến Băng hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Bà Lù là một trong 3 người vợ liệt sỹ được Đồn Biên phòng Đức Long nhận phụng dưỡng. Thấy chúng tôi đến, bà Lù vui lắm. Bà ra tận sân dắt tay Trung tá Hầu Văn Đồng vào nhà.
Trong căn nhà cột gỗ ba gian đơn sơ, khi nghe chúng tôi nhắc đến liệt sỹ Đinh Tiến Băng, chồng mình, ánh mắt đã mờ đục đượm buồn một nỗi thương nhớ của bà Lù hướng lên ban thờ giữa nhà. Bồi hồi, bà kể, chồng bà, ông Băng đi bộ đội từ năm 1961. Đến năm 1969, bà lấy ông trong dịp ông được về nghỉ mấy ngày phép. Hai vợ chồng còn chưa quen hơi ấm của nhau thì ông đã đi biền biệt vào chiến trường miền Nam mãi đến khi đất nước được thống nhất, ông trở về. Cứ tưởng vợ chồng được đoàn tụ, nhưng rồi chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 xảy ra, một lần nữa ông Băng lại ra mặt trận chỉ kịp để lại cho bà lời nhắn “Em gắng thay anh chăm sóc bố mẹ và 2 con, hết chiến tranh anh sẽ về” và rồi ông chẳng bao giờ về nữa. Giọng bà Lù trầm xuống, đôi tay run run nắm chặt tay Trung tá Đồng như nén nỗi đau mất mát trực trào ra.
Bà Lù kể tiếp, ông Băng hy sinh lúc bà mới 37 tuổi. Nhìn 2 con trai còn nhỏ chưa một lần được thấy mặt cha, lòng bà quặn đau, nhưng vì các con, vì ông, không cho phép bà gục ngã. Những tháng năm tiếp đó, bà đã vượt qua bao cực nhọc, làm lụng đủ mọi việc để chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi các con khôn lớn. Bà Lù quay sang tôi nở nụ cười trên khoé miệng hằn vết nhăn. Đó là nụ cười của sự mất mát chưa hết nguôi ngoai và cũng là nụ cười của sự mãn nguyện vì đã thực hiện được ước vọng của ông Băng, chồng bà.
“Được các con biên phòng thường xuyên đến thăm, tặng quà, chăm sóc sức khoẻ, làm giúp gia đình mẹ đủ mọi việc từ dọn dẹp nhà cửa đến thu hoạch ngô, lúa, Hàng năm còn đón mẹ đi nghỉ dưỡng tận Hà Nội, đến cả các tỉnh có biển nữa, mẹ vui lắm. Chồng mẹ, ông ấy hy sinh vì Tổ quốc, các con biên phòng cũng vì dân, vì nước mà cống hiến tuổi xuân, mẹ quý các con biên phòng như con trai mẹ vậy. Mẹ cảm ơn các con biên phòng nhiều lắm”. Mắt rưng rưng, bà Lù nói.
![]() |
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng thăm, tặng quà bà Lương Thị Lù, xóm Bản Viện, xã Đức Long là vợ liệt sỹ được Đồn nhận phụng dưỡng. |
Được nghe bà Lù kể về một đời làm dâu, làm mẹ, thay chồng làm cha các con của mình, được chứng kiến tình cảm của bà với các cán bộ, chiến sỹ biên phòng và những việc làm tri ân của các anh với các gia đình chính sách, chúng tôi càng hiểu hơn về nghĩa tình quân dân gắn kết bền chặt nơi biên giới. Việc làm của các anh tuy bình dị nhưng cao đẹp đã lan toả, nhân lên giá trị cốt lõi “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.
Theo các anh, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình ông Hà Văn Mạnh, hộ nghèo ở xóm Đoàn Kết, xã Đức Long được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát. Được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long và bà con trong xóm giúp đỡ, hỗ trợ, gia đình ông Mạnh đã xây được căn nhà 3 gian kiên cố, diện tích 60 m2, thay cho căn nhà cột gỗ, vách đất xiêu vẹo.
Chỉ vào ngôi nhà sắp hoàn thiện, bà Tấm vợ ông Mạnh phấn khởi nói “Được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng và bộ đội biên phòng giúp đỡ, vợ chồng tôi đến hôm nay đã xây được căn nhà kiên cố này. Từ nay, gia đình không còn thấp thỏm âu lo mỗi khi mưa to gió lớn nữa, vợ chồng tôi rất vui, sẽ cố gắng sản xuất để sớm thoát nghèo. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn bộ đội biên phòng nhiều”.
“Đồn Biên phòng Đức Long đã giúp 2 hộ nghèo xóm Đoàn Kết xoá nhà tạm, nhà dột nát được 60 ngày công để tháo dỡ nhà cũ và vận chuyển vật liệu xây dựng. Ban Chỉ huy Đồn bàn thống nhất khi nào đồng bào hoàn thiện nhà, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng để đồng bào có thêm kinh phí mua sắm vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt”. Trung tá Hầu Văn Đồng cho biết.
Trung tá Hầu Văn Đồng, dân tộc Mông, quê xã Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Thời gian công tác tại Đồn Biên phòng Cốc Pàng, anh đã từng được tăng cường về xã biên giới Đức Hạnh của huyện Bảo Lâm cũ (Cao Bằng) làm Bí thư Đảng uỷ xã từ năm 2020 – 2022. Vì thế, Trung tá Hầu Văn Đồng có nhiều kinh nghiệm trong công tác đảng, công tác vận động quần chúng và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng, đời sống của đồng bào khu vực biên giới.
![]() |
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phối hợp với các đơn vị trên địa bàn giúp đồng bào sửa chữa nhà ở. |
Để biên cương thêm xanh
Thăm từng nhà xong, trời đã quá trưa, những chùm nắng chiếu xuống từ đỉnh núi đá nhuốm cả không gian biên giới một màu vàng trong trẻo. Tôi theo Trung tá Hầu Văn Đồng trở về Đồn. Bên đường, tôi bắt gặp những thiếu nữ dân tộc gánh những bó cỏ voi trĩu nặng nhưng vẫn nở nụ cười tươi rói trên gương mặt ửng hồng còn vương giọt nắng đi ra từ những ruộng mía, nương ngô bời bời. Thiên nhiên và con người vùng cao nơi biên cương sao khéo bài trí hài hoà đẹp đến hoàn hảo mà bình dị, có hương, có sắc, gợi cảm xúc nồng nàn, đằm thắm, bình yên.
Thấy tôi mê mải với cảnh sắc con người, thiên nhiên miền biên viễn, Trung tá Hầu Văn Đồng vui vẻ nói, đồng bào ở đây họ chịu khó, cần cù lao động sản xuất lắm. Đi làm về mà vẫn tranh thủ cắt gánh cỏ voi để chăn trâu, bò. Những năm trở lại đây, được Đảng, Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, diện mạo nông thôn vùng cao biên giới đã khởi sắc rõ rệt, cuộc sống của đồng bào được cải thiện đáng kể.
Trung tá Đồng chỉ vào những cột ống thép lắp bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời dọc hai bên đường, cho hay “Thực hiện Chương trình Thắp sáng vùng biên, Đồn chúng em đã phối hợp với một số tổ chức lắp được 300 bóng đèn, tổng số tiền 375 triệu đồng. Riêng cán bộ, chiến sỹ Đồn hỗ trợ 7 triệu 500 nghìn đồng để lắp thêm 60 bóng nữa. Đến nay buổi tối dọc trung tâm 6/6 xóm của xã Đức Long (cũ) đều có điện thắp sáng. “Thắp sáng vùng biên” đã góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào, an ninh trật tự khu vực biên giới được giữ vững, tình đoàn kết gắn bó giữa bộ đội biên phòng với đồng bào được tăng cường, thế trận lòng dân ngày càng vững mạnh”.
Trung tá Đồng lại tiếp lời, Đảng uỷ, Chỉ huy Đồn Biên phòng Đức Long xác định công tác vận động quần chúng luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong công tác biên phòng của Đồn để xây dựng “Thế trận lòng dân – Thế trận biên phòng toàn dân vững chắc”. Vì thế, cùng với việc tích cực tham gia với cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức chính trị cơ sở, các bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ chức đoàn thể xóm, Đảng uỷ, Ban chỉ huy Đồn triển khai hiệu quả các chương trình, mô hình, phong trào phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới khu vực biên giới phù hợp với tình hình của từng địa bàn mà Đồn được giao quản lý.
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, các cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã tăng cường bám dân, bám bản, bám nắm địa bàn, thực hiện “bốn cùng”, tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; pháp luật về quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; phòng chống tội phạm; cùng đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh…
Không chỉ tuyên truyền bằng lời nói, cán bộ, chiến sỹ biên phòng còn vận động đồng bào bằng các việc làm, hành động cụ thể. Trực tiếp hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; cùng đồng bào lao động sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Chính sự gần gũi, chân tình, không quản ngại gian khó, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, lăn lộn với đồng bào của các anh đã được đồng bào tin yêu, vì thế các chủ trương, chính sách được đồng bào tin tưởng đón nhận, bảo nhau cùng làm theo hiệu quả.
“Bộ đội Đồn Biên phòng Đức Long tốt lắm, giúp đồng bào xoá nhà tạm, nhà dột nát, còn hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế gia đình. Từ khi gia đình tôi làm theo bộ đội biên phòng bảo, hàng năm gia đình trồng ngô, lúa thu được hơn 20 bao thóc, 15 bao ngô, chăn nuôi lợn mỗi năm 2 lứa xuất chuồng bán trên 10 con, mỗi con nặng 90 kg. Nhờ đó mà đời sống của gia đình được cải thiện nâng lên rất nhiều”. Bà Hoàng Thị Tấm, xóm Đoàn Kết, xã Đức Long vui vẻ cho biết.
Cùng với các mô hình phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng Biên phòng Đức Long những năm qua còn hỗ trợ hiệu quả Chương trình ‘Nâng bước em đến trường, con nuôi đồn biên phòng” đối với các học sinh dân tộc khu vực biên giới Đồn quản lý có hoàn cảnh khó khăn. Đồn hiện nhận nuôi 1 con nuôi tại đơn vị và hỗ trợ 9 học sinh, mỗi tháng 500 nghìn đồng/học sinh theo Chương trình “Nâng bước em đến trường – con nuôi đồn biên phòng”, Dự án “Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nâng bước em đến trường”. Các phong trào, cuộc vận động, chương trình phối hợp do cấp trên và địa phương phát động cũng được Đồn triển khai có kết quả. Điển hình như Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, 6 tháng đầu năm 2025 đã vận động cán bộ, chiến sỹ đơn vị đóng góp vào quỹ của địa phương 4 triệu đồng cùng với tham gia nhiều ngày công lao động giúp đồng bào. Phối hợp tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, tặng 50 xuất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, trị giá 17 triệu đồng. Trao tặng 10 suất quà cho học sinh, trị giá 3 triệu đồng trong Chương trình “Nâng bước em đến trường – con nuôi đồn biên phòng”; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho 3 thân nhân liệt sỹ được Đồn nhận phụng dưỡng và các gia đình chính sách, có công với cách mạng vào các dịp lễ, tết hàng năm…
![]() |
Cán bộ Chỉ huy Đồn Biên phòng Đức Long, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng trao tặng quà cho học sinh trong Chương trình “Nâng bước em đến trường – con nuôi đồn biên phòng”. |
Theo Trưởng xóm Bản Pò Vi Hùng Trường, xóm Bản Pò, xã Đức Long là xóm sát biên giới có 79 hộ, 392 nhân khẩu dân tộc Nùng. Trong sản xuất, đồng bào canh tác các cây trồng ngắn ngày như: Mía, ngô, sắn, khoai, lạc, trong đó cây mía nguyên liệu là chủ yếu. Cả xóm hiện có trên 60 hộ trồng hơn 40 ha cây mía. Từ trồng mía nguyên liệu bán cho Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng, nhiều hộ trong xóm thu nhập vài chục triệu đến trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2025, xóm có 2 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát, đến nay đã hoàn thiện. Xóm hiện còn 16 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo,
“Được bộ đội biên phòng tuyên truyền, đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Bộ đội biên phòng đã vận động, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế gia đình, thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật, sử dụng giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất. Đồng bào luôn tin yêu, làm theo bộ đội biên phòng, vì thế cuộc sống của đồng bào được cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự xóm biên giới được ổn định, đồng bào yên vui đoàn kết giúp đỡ nhau lao động sản xuất, chung tay cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, hăng hái tham gia xây dựng khu vực biên giới phát triển”. Trưởng xóm Bản Pò Vi Hùng Trường hồ hởi cho biết thêm.
“Phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phải đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn, gắn bó chân tình với đồng bào, được đồng bào tin yêu, coi bộ đội biên phòng như người thân ruột thịt thì “Thế trận lòng dân – Thế trận biên phòng toàn dân” sẽ được củng cố vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia - nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó cho lực lượng biên phòng chắc chắn được thực hiện hoàn thành xuất sắc”. Trung tá, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đức Long Hầu Văn Đồng khẳng định lúc chia tay tôi.