![]() |
Tọa đàm góp ý Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) tại trường Đại học Luật - Đại học Huế. |
Buổi tọa đàm quy tụ các chuyên gia và nhà quản lý từ Đại học Huế và nhiều trường đại học khác, gồm có: TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế; TS. Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Đại học Huế; PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng trường Đại học Luật - Đại học Huế; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng cùng các lãnh đạo của các trường thành viên thuộc Đại học Huế.
![]() |
Các đại biểu tập trung thảo luận chuyên sâu về nội dung Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. |
Buổi tọa đàm do TS. Nguyễn Hồng Sơn và PGS.TS. Nguyễn Duy Phương chủ trì. Các đại biểu tập trung thảo luận chuyên sâu về nội dung Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, đặc biệt là các điểm then chốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số và tinh giản cơ cấu quản lý giáo dục đại học tại Việt Nam.
![]() |
TS. Nguyễn Hồng Sơn và PGS.TS. Nguyễn Duy Phương chủ trì buổi tọa đàm. |
Tại buổi toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương đã trình bày bài tham luận với chủ đề “Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục Đại học” và PGS.TS. Đoàn Đức Lương chia sẻ bài tham luận “Sứ mạng và chức năng của Đại học Quốc gia, Đại học vùng và Trường đại học thành viên trong Dự thảo Luật (lần 2)”.
![]() |
PGS.TS. Nguyễn Duy Phương trình bày tham luận với chủ đề “Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục Đại học”. |
![]() |
PGS.TS. Đoàn Đức Lương chia sẻ nội dung xoay quanh bài tham luận tại buổi toạ đàm. |
Một trong những điểm được nhiều đại biểu lưu ý là việc đánh đồng giữa Đại học Quốc gia, Đại học vùng và các trường đại học thành viên mới thành lập. Các ý kiến phản ánh rằng nên có cơ chế tổ chức và quản lý riêng biệt cho từng loại hình để tránh xung đột trong thực tiễn vận hành.
Đặc biệt, nhiều ý kiến mạnh mẽ đề xuất giữ lại Hội đồng Trường tại các cơ sở đại học thành viên thay vì loại trừ như hiện dự thảo. PGS.TS. Đoàn Đức Lương nhấn mạnh, Hội đồng Trường là thiết chế thiết yếu để các trường đại học thành viên có thể tự chủ và vận hành như một trường đại học độc lập.
Sự kiện này không chỉ mở ra diễn đàn trao đổi và phản biện giữa các nhà quản lý, chuyên gia và đại diện các trường mà còn là cơ hội đóng góp tiếng nói thực tiễn vào quá trình hoàn thiện một văn bản pháp lý nền tảng, định hướng sự phát triển lâu dài của ngành giáo dục đại học Việt Nam - dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi). Đây là nền tảng quan trọng góp phần định hướng chiến lược phát triển dài hạn cho hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam./.