![]() |
Hiện tại có hơn 20ha cau cho thu hoạch quả được người dân làng Trô trồng trên mảnh đất Giao An cho thu nhập ổn định hơn một số cây trồng khác. |
Câu chuyện khởi nghiệp cây cau
Chúng tôi về làng Trô, xã Giao An, tỉnh Thanh Hóa gặp ông Hà Văn Dũng, người dân tộc Mường. Người dân ở đây ví ông là “vua cau” vì ông là người khởi xướng trồng cau đầu tiên, có diện tích cau lớn, thu nhập từ việc bán trái cau có năm lên cả gần tỉ đồng. Trước đó, ông Dũng từng thử trồng hàng chục loại cây trồng trên diện tích 5ha đất của gia đình. Vì như 500 gốc chanh, 5.000 gốc gấc... những tất cả đều cho thu nhập kém, ddầu ra bấp bênh.
Nhờ kinh nghiệm hàng chục năm đi thu mua cây dược liệu ở khắp nơi, ông Dũng nhận thấy, việc trồng cây cau lấy trái đang được thị trường ưu chuộng, cây cau cho thu nhập lâu dài và ít bị biến động bởi thị trường. Bên cạnh đó, quả cau cũng được chế biến ra nhiều vị thuốc trong đông y, các sản phẩm dùng trong ngành thực phẩm như bánh kẹo... Nghĩ vậy nên năm 2006, ông Dũng đã trồng thử nghiệm 1.200 cây cau, sau 5 năm cho thu hoạch, mặc dù giá cả không cao nhưng tính toán thì vẫn có lợi nhuận hơn nhiều cây trồng khác. Ông Dũng cho rằng, cây cau ít phải công chăm sóc, vốn ban đầu bỏ ra thấp, khi thu hoạch thương lái sẽ đến tận nơi thu mua chứ không phải mang đi bán.
![]() |
"Vua Cau" Hà Văn Dũng kết hợp trồng thêm 600 cây cốt toái bổ, sống bám trên thân cây cau. |
Ông Dũng kể lại: Tôi khi đó làm trưởng thôn, rồi giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp, khi tôi có ý tưởng trồng cây cau, nhiều cán bộ trong xã khuyên không nên trồng. Những ý trí đã quyết nên tôi vẫn cương quyết trồng. Sau 3 năm đầu cây cau rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển mạnh. Rồi 5 năm cho thu hoạch, khi đó cau bán giá đang còn thấp những đã có lãi hơn nhiều so với cây trồng khác. Thấy xu hướng thị có nhiều chuyển biến tích cực và nhu cầu sử dụng cau càng nhiều nên tôi mở rộng diện tích trồng, đồng thời vận động anh em, bà con cùng trồng.
Trong 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019 ông Dũng mở rộng diện tích trồng cau của gia đình lên 5ha với 14.000 cây. Hiện tại 7.000 gốc đã cho thu hoạch. Năm 2022, ông trồng thêm 600 cây cốt toái bổ, sống bám trên thân cây cau. Hiện tại củ cây cốt toái bổ các thương lái đang thu mua 30.000 đồng/kg. Ông Dũng đang trong quá trình nhân giống cây cốt toái bổ sang các thân cau còn lại.
Mật ngọt từ những trái cau
Hiện nay, với 14.000 gốc cau, ông Hà Văn Dũng “sống khỏe” từ tiền bán quả, mỗi năm trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, với kinh nghiệm nhân giống và chăm sóc cây cau, ông Dũng đã làm vườn ươm, ươm giống cau. Đầu tiên là cung ứng giống cho các hộ dân trong thôn trồng, sau đó bán ra thị trường. Năm 2024, ông Hà Văn Dũng bán ra thị trường 30.000 cây cau giống, với giá bán 25.000 đồng/cây. Cộng với tiền bán 5 tấn cau quả, ông Dũng thu về lợi nhuận 700 triệu đồng trong năm 2024.
“Kể từ khi cau cho thu hoạch, cứ đến vụ là thương lái đến tận nơi thu mua, đặt cọc trước để giữ mối hàng. Nếu tính ra, hiện nay cau chỉ cần bán với giá 20.000 đồng/1kg là đã có lãi. Trung bình 1 cây cau cho ra khoảng từ 20 đến 50 kg quả. Tính ra, 1 sào cau cho thu nhập tương đương với 1ha cây keo. Nếu toàn bộ 14.000 cây cau đều cho thu hoạch, với giá bán hiện nay từ 50.000 đồng/kg thì mỗi năm sẽ thu nhập cả tỉ đồng sau khi trừ chi phí. ” - ông Dũng cho biết.
![]() |
"Vua cau" Hà Văn Dũng - người khởi nghiệp cây cau trên mảnh đất Giao An. |
Nhớ lại thời điểm trồng chanh, trồng gấc cho thu nhập thấp lại vất vả. Khi đến mùa thu hoạch chanh, gấc, bán không hết vợ chồng ông Dũng lại đóng bao tải bắt xe khách xuống phố để bán rẻ. Cũng có một số một số nơi đồng ý nhập hàng, ông đóng bao tải chừng 25kg gửi xe khách xuống thành phố. Việc tiêu thụ nhỏ lẻ như này khiến ông Dũng không duy trì lâu dài được. Những gốc chanh cũng dần bị chặt bỏ để tìm loại cây trồng khác thích hợp hơn. Từ khi chuyển sang trồng cau, vợ chồng ông Dũng sống khỏe từ thu hoạch quả, lại đỡ chạy vạy khắp nơi tìm đầu ra cho hàng hóa.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng cau lấy quả của gia đình ông Dũng, người dân làng Trô đã học tập và mua giống từ vườn ươm của ông để chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả. Hiện ở làng Trô diện tích trồng cau đã trên 20ha.
Theo ông Dũng, cau giống phải chọn nhưng quả ở cây có độ tuổi trên 10 năm để ươm thì sau này mới không cho quả lép. Ngoài ra, những hộ mua cau giống của gia đình tôi đều được bảo hành đến khi ra quả đạt tiêu chuẩn để bán cho thương lái. Cây cau cũng rất cần nước, mùa khô cần tưới nước và thường bị bệnh rệp, mỗi khi phát hiện bệnh cần thuê máy bay phun thuốc. Cây cau sẽ cho thu hoạch bền vững, mưa bão không sợ gãy đổ, tỷ lệ rủi ro ít, mùa ra hoa đậu quả ko phải phun thuốc như lúc trồng chanh, gấc.
![]() |
Cây cau ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. |
Trao đổi với ông Ngô Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ VAC trang trại - Hội Làm vườn và trang trại tỉnh Thanh Hóa được ông cho biết: Hiện nay, trên địa bàn các xã miền núi tính Thanh Hóa đang phát triển nhiều mô hình trồng cau với diện tích tương đối lớn. Giá trị kinh tế từ cây cau tương đối cao ở thời điểm những năm trở lại đây so với một số cây trồng khác. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh sẽ nghiên cứu, xin chỉ đạo làm mô hình điểm, đánh giá lại hiệu quả kinh tế để có định hướng nhân rộng.