![]() |
Không gian xanh hòa quyện giữa kiến trúc tái chế hòa hợp thiên nhiên ngay tại trung tâm Đà Nẵng. |
Điểm nhấn “kiến trúc xanh” giữa lòng phố thị
Tọa lạc tại giao lộ đường 2 tháng 9 và Bình Minh 6, kết nối trực tiếp với tuyến phố đi bộ Bạch Đằng sầm uất, nhà hàng Baba Yaga nổi bật giữa muôn vàn kiến trúc bê tông hiện đại bằng một diện mạo thuần mộc, dung dị nhưng đầy tinh tế. Công trình là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình khối ấn tượng, màu sắc hài hòa và chất liệu thân thiện với môi trường như gỗ tái chế, cây keo lá tràm, gỗ trụ tiêu… tạo nên không gian kiến trúc vừa gần gũi, vừa giàu bản sắc văn hóa địa phương.
Dù chỉ mới hoạt động khoảng 10 tháng, nhà hàng đã thu hút được sự chú ý của nhiều tạp chí nước ngoài nhờ kiến trúc độc đáo và việc sử dụng vật liệu tái chế. Được biết, các vật liệu như gỗ trụ tiêu, bìa thông và gỗ bị loại bỏ được tận dụng để xây dựng nhằm tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng. Ý tưởng thiết kế của nhà hàng lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi nhà của phù thủy, tạo cảm giác như đang lạc vào khu rừng cổ tích. Dự án được hoàn thành trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu ứng tích cực, thể hiện rõ tư duy sáng tạo và ý thức bảo vệ môi trường.
![]() |
Bên trong nhà hàng sử dụng gỗ trụ tiêu – vật liệu tưởng chừng bị lãng quên, nay được hồi sinh sống động. |
Khác biệt lớn nhất của Baba Yaga chính là ở triết lý kiến tạo: Tái sử dụng thay vì phá dỡ. Toàn bộ công trình được cải tạo từ một khung sắt tiền chế hai tầng sẵn có, dưới bàn tay sáng tạo của kiến trúc sư Ngô Đức Dự – một người con Quảng Nam, người từng tham gia thiết kế biểu tượng Cầu Vàng tại Bà Nà Hills. Với niềm đam mê cây cỏ và thiên nhiên ngấm vào máu thịt, KTS Dự đã hiện thực hóa ý tưởng về một không gian xanh thân thiện giữa phố thị bằng sự am hiểu, tỉ mỉ và tinh thần thử nghiệm đầy bản lĩnh.
Anh Nguyễn Đăng Khoa – Chủ nhà hàng Baba Yaga cho biết: “Tên quán là Baba Yaga, lấy cảm hứng từ tên một phù thủy trong thần thoại Slav. Tôi muốn thiết kế quán giống như một ngôi nhà phù thủy trong rừng – mộc mạc, tự nhiên và gợi cảm giác kỳ bí. Nhiều người đi du lịch chụp hình, đăng lên mạng, rồi viết bài trên các tạp chí nước ngoài... Tôi khá bất ngờ khi chỉ trong vòng 10 tháng, quán đã được nhắc đến rất nhiều”.
![]() |
Chủ nhà hàng Baba Yaga Nguyễn Đăng Khoa dẫn PV tham quan và chia sẻ về hành trình kiến tạo một không gian “phù thủy mộc” giữa phố. |
“Khi thiết kế nhà hàng, điều tôi hướng tới là sự thân thiện với môi trường. Tôi sử dụng toàn bộ vật liệu tái chế, tức là những thứ người ta bỏ đi, mình tự đi kiếm và gom lại. Ví dụ như gỗ trụ tiêu – hồi xưa người ta dùng nhiều, giờ chỉ còn cái lõi nhưng vẫn rất quý. Cây gỗ này giờ mua rất đắt, nhưng nhờ tận dụng vật liệu bị loại, tôi có thể tiết kiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình”, anh Khoa chia sẻ thêm.
Cấu trúc công năng của công trình được bố trí rõ ràng, hợp lý: Tầng 1 là không gian mở kết hợp giữa nhà hàng và sân vườn, tạo sự hòa quyện với cảnh quan phố đi bộ bên ngoài. Tầng 2 là tổ hợp của bốn phòng tiếp khách riêng biệt và khu vực nhà hàng lãng mạn với tầm nhìn hướng ra sông Hàn, các cây cầu và dòng người qua lại. Khoảng thông tầng giữa hai tầng được phủ cây xanh tạo đối lưu không khí, giảm nhiệt và mang lại cảm giác thoáng đãng, mát mẻ, thân thiện.
Điểm đặc biệt của Baba Yaga còn nằm ở khả năng chống chọi với khí hậu miền Trung đầy nắng gió. Hai mặt tiền Tây và Nam được xử lý bằng lớp che phủ cây keo lá tràm, vừa tạo nên lớp áo tự nhiên, riêng tư, vừa giúp giảm tiếng ồn, khói bụi và sức nóng từ môi trường. Cây xanh lớn nhỏ đan xen khắp nơi trong nhà hàng như những lá phổi xanh lọc khí, điều hòa và làm mềm mại không gian sống vốn đang ngày càng bị bê-tông hóa.
![]() |
Cấu trúc công năng của công trình Baba Yaga được bố trí rõ ràng, hợp lý cùng cách bài trí tinh tế, thẩm mỹ. |
Từ “cánh diều bay cao” ở Công viên APEC đến “hơi thở của gió” mang tên Baba Yaga, đoạn tuyến phố đi bộ Bạch Đằng đang dần hình thành một cụm kiến trúc cảnh quan độc đáo dọc sông Hàn. Baba Yaga không chỉ là một nhà hàng, còn là không gian văn hóa góp phần làm giàu thêm mỹ quan đô thị, gìn giữ giá trị bản sắc địa phương trong hình thái kiến trúc đương đại.
Tái chế – Tái tạo giá trị mới cho kiến trúc lẫn cộng đồng
Baba Yaga không chỉ gây ấn tượng bởi hình khối và công năng, mà còn bởi triết lý “bền vững từ cốt lõi” qua cách sử dụng vật liệu tái chế. Chủ đầu tư Nguyễn Đăng Khoa cùng KTS Ngô Đức Dự đã rong ruổi khắp các vùng núi Quảng Nam, Tây Nguyên để thu gom thân cây keo, gỗ trụ tiêu, ván gỗ xẻ bỏ đi… Những vật liệu tưởng chừng đã hết vòng đời được đặt lại đúng vị trí, trở thành chất liệu tạo hình độc đáo, bền vững cho công trình.
Cụ thể, nhà hàng sử dụng hơn 2.000 thanh gỗ keo – loại gỗ thải không đủ chuẩn xuất khẩu, trên 200 cọc gỗ trồng tiêu do nông dân thải bỏ và 30m³ ván bìa gỗ xẻ… Không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, giải pháp này còn góp phần giảm phát thải CO₂, hạn chế khai thác tài nguyên mới, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại địa phương.
![]() |
Sự đối lập mềm mại giữa Baba Yaga và các khối bê tông hiện đại xung quanh như một “nốt trầm” nghệ thuật giữa phố xá. |
![]() |
Vài nét trang trí lạ mắt bằng gỗ mộc, họa tiết độc đáo, ấn tượng, nghệ thuật. |
KTS Lâm Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Cát Việt kiến trúc nhận định: “Phải là người thực sự am hiểu và đam mê mới dám thử thách bản thân với vật liệu tái chế. Thiết kế của Baba Yaga không quá cầu kỳ nhưng lại tạo ra sự mềm mại, tinh tế trong không gian đô thị đang dần bê-tông hóa. Tôi rất mong được đến thăm không gian kiến trúc đặc sắc này tại Đà Nẵng”.
Cùng góc nhìn, KTS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Công ty CP Kiến & Xây dựng công trình Văn hóa Việt chia sẻ: “Baba Yaga không phá vỡ cảnh quan mà còn tôn vinh giá trị tự nhiên bằng chính chất liệu thân thiện và kiến trúc mở. Đây là cách các KTS nên suy nghĩ: Làm cái xã hội cần chứ không chỉ làm cái mình muốn”.
Không chỉ nổi bật về kiến trúc, Baba Yaga còn được biết đến bởi những trải nghiệm ẩm thực mang đậm hương vị miền Trung kết hợp tinh tế với bia Đức nấu thủ công. Không gian nhà hàng không chỉ là nơi thưởng thức bữa ăn, mà còn là chốn dừng chân lý tưởng để sẻ chia cảm xúc, tâm tình cùng gia đình và bạn bè.
![]() |
Một không gian lý tưởng để sum vầy cùng bạn bè, gia đình hoặc những giây phút cần sự tĩnh lặng một mình, rèn sự trầm ổn. |
Baba Yaga là một minh chứng sống động cho tinh thần kiến trúc bền vững: Khởi nguồn từ những chất liệu tưởng chừng vô giá trị, hình thành nên một không gian sống động, sáng tạo và gần gũi. Trong một thế giới đô thị hóa nhanh chóng, công trình này như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng; rằng những gì chân thật, mộc mạc và hài hòa với thiên nhiên luôn có chỗ đứng vững bền trong trái tim con người.
Từ tầm nhìn kiến trúc đến trải nghiệm cảm xúc, từ triết lý tái chế đến tinh thần cộng đồng – Baba Yaga không chỉ là một nhà hàng đáng ghé đến, mà còn là một hình mẫu truyền cảm hứng cho tương lai đô thị xanh và sống động.
Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc – thiên nhiên – con người đã tạo nên một Baba Yaga không dễ hòa lẫn. Đó không chỉ là một xu hướng, một mô hình kinh doanh, mà còn là một lựa chọn sống: Sống xanh, sống thân thiện, sống có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng!