![]() |
Người nuôi ong dùng dao chuyên dụng để cắt bỏ lớp sáp trên những ô mật đã chín trước khi quay lấy mật. Ảnh: danviet.vn |
Nuôi ong lấy mật giúp nông dân miền núi thoát nghèo
Toàn huyện Hương Sơn hiện có gần 4.600 hộ nuôi ong với hơn 21.000 đàn, tập trung chủ yếu ở các xã Quang Diệm, Sơn Phú, Sơn Tây, Sơn Hồng, Sơn Lâm... Mùa thu hoạch mật năm nay, toàn huyện ước thu về khoảng 110 tấn mật ong. Mật ong được mùa, giá ổn định đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.
Chỉ với 50 đàn ong mật, gia đình ông Lê Khánh Ngọc (trú tại thôn Yên Long, xã Quang Diệm) đã có nguồn thu nhập ổn định.
Chia sẻ về kinh nghiệm thu hoạch mật ong, ông Ngọc cho biết: “Việc thu hoạch mật ong không có thời gian cố định, tùy thuộc vào sức khỏe của từng đàn ong và điều kiện tự nhiên. Khi đàn ong khỏe mạnh, chăm chỉ hút mật, sau khoảng 8 ngày là tôi có thể quay mật. Tuy nhiên, có những đàn cần đến 15 - 17 ngày mới đủ lượng mật để thu hoạch".
Theo ông Ngọc, khi thu hoạch mật, phải thực hiện các thao tác nhẹ nhàng và tỉ mỉ. Dùng dao chuyên dụng để cắt bỏ lớp sáp trên những ô mật đã chín. Sau đó, từng cầu ong nặng trĩu mật được nhẹ nhàng đưa vào máy quay mật, quá trình tách mật vàng óng, sánh mịn ra khỏi sáp bắt đầu.
Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ, tình yêu với nghề, trung bình mỗi năm, đàn ong của ông Ngọc cho gần 600 lít mật. Giá bán khoảng 180.000-200.000 đồng/lít, gia đình ông thu về gần 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn phát triển nghề nuôi ong giống và bán dụng cụ nuôi ong, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định.
Hơn 20 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, ông Hồ Văn Bình (trú ở thôn Đồng Phúc, xã Quang Diệm) luôn dành thời gian chăm sóc từng đàn ong một cách tỉ mỉ. Chính sự tận tâm này đã giúp gia đình ông ổn định kinh tế.
Mỗi năm, với 70 đàn ong, gia đình ông thu hoạch được gần 800 lít mật. Mật ong được khách hàng yêu thích, giúp gia đình ông thu về gần 160 triệu đồng mỗi năm.
“Ong là loài động vật có tính bầy đàn cao, rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, từ thời tiết đến ánh sáng và nhiệt độ. Chính vì vậy, người nuôi ong không chỉ chăm sóc mà còn phải thực sự hiểu và lắng nghe chúng.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển nghề nuôi ong bền vững
Không chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhiều hộ dân Hương Sơn đã mạnh dạn phát triển nghề nuôi ong theo hướng chuyên nghiệp, nhằm đưa mật ong quê hương vươn xa hơn trên thị trường.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 3 sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP (trong đó nổi bật có 1 sản phẩm được công nhận 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao).
Năm 2024, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, trở thành cơ sở đầu tiên ở Hà Tĩnh có sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ông Cường đã đầu tư mạnh vào quy trình chọn giống ong tốt, thu hoạch, chế biến và đóng gói sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Để xây dựng, giữ vững được thương hiệu, nâng cao chất lượng mật ong địa phương, tôi thường xuyên cập nhật kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quy trình nuôi ong và khai thác mật. Chú trọng từ khâu chọn giống, chăm sóc đàn ong đến quy trình thu hoạch và bảo quản mật, đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng tốt nhất".
"Tôi cũng tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá mật ong. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, HTX đã linh hoạt tiếp cận các nền tảng số như Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử.
![]() |
Từng giọt mật vàng óng như kết tinh từ bao tháng ngày kiên trì, đam mê và gắn bó của người dân nơi đây - Ảnh: baodanviet.vn |
Bên cạnh đó, luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng, không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ, xây dựng niềm tin và uy tín cho thương hiệu", ông Cường, cho hay.
Lợi thế diện tích đồi núi rộng lớn, nguồn hoa cỏ tự nhiên phong phú đã giúp nghề nuôi ong lấy mật ở Hương Sơn phát triển mạnh. HTX Mật ong Cường Nga hiện có 19 thành viên, liên kết với 132 hộ dân ở các huyện Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cho sản phẩm mật ong.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Cường cho biết: "HTX cung cấp thiết bị, giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm mật ong. Bên cạnh đó, mật ong rừng thường gặp vấn đề về chất lượng do không xác định được mật đã chín hay chưa, dễ gây lên men hoặc sẫm màu.
Ngoài ra, nguồn hoa ong, tỷ lệ phấn hoa lẫn mật cũng làm giảm chất lượng. Mật ong nuôi nếu không xử lý sẽ dễ đổi màu và chua. Vì vậy, chúng tôi đã hỗ trợ người nuôi ong xử lý mật, giúp sản lượng đạt hơn 300 tấn mỗi năm".
Hiện tại, mật ong thô chưa qua xử lý có giá khoảng 250.000 đồng/lít, trong khi mật cao cấp có giá lên tới 400.000 đồng/lít. Mỗi năm, HTX Mật ong Cường Nga sản xuất, cung ứng khoảng 3.000 đàn giống, trên 25 tấn mật ra thị trường, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ được ưa chuộng trong nước, hiện HTX Mật ong Cường Nga đã xúc tiến được một số đối tác xuất khẩu mật sang các nước châu Á.
“Tôi mong rằng nghề nuôi ong ở Hương Sơn không chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình mà ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Khi nghề phát triển bền vững, người dân sẽ có thêm sinh kế ổn định, từ đó gắn bó lâu dài với nghề.
Chính niềm tin ấy là động lực để HTX không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, đưa mật ong Hương Sơn vươn xa hơn nữa", ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Văn Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn chia sẻ: “Nuôi ong lấy mật là nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế, giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Hiện nay, người nuôi ong đã chú trọng hơn đến kỹ thuật và đầu tư công nghệ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm".
"Cùng với việc xây dựng thương hiệu, phát triển theo tiêu chuẩn OCOP, đây là hướng đi đúng, tạo đà cho nghề nuôi ong địa phương phát triển bền vững. Hội Nông dân huyện đã khuyến khích bà con mở rộng quy mô sản xuất, gắn với nâng cao chất lượng và phát triển thị trường tiêu thụ ổn định", ông Phan Văn Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn, cho hay. |