![]() |
Toàn cảnh buổi gặp mặt |
Truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của Nhân dân đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với các bậc ông cha đã hi sinh tuổi trẻ, hi sinh thân mình “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” và vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Trong chiến tranh, họ là những con người của ý chí bất tử, tinh thần thép làm nên chiến công oai hùng. Đi qua những năm tháng loạn lạc đó trở về trong thời bình, họ là những chứng nhân lịch sử sống giản dị và khiêm nhường, để rồi khi gặp lại tay bắt mặt mừng, ánh mắt reo vui, kể chuyện năm xưa,…Để hôm nay điểm lại“Ai đã trở về trong lòng đất mẹ/ Ai hóa thành hoa cỏ với gió sương…”
Hôm nay đây gặp lại, những con người đi qua cuộc trường chinh đã mái đầu pha sương, gương mặt hằn in nếp gấp thời gian nhưng nghĩa tình đồng đội, đồng chí mãi mãi trường tồn, bất diệt. Dù thời gian có trôi qua, dù cuộc sống có nhiều biến đổi, tình nghĩa đồng đội vẫn luôn là một giá trị thiêng liêng, là sợi dây kết nối những con người từng vào sinh ra tử.
![]() |
Hơn 350 cựu chiến binh tham gia buổi gặp mặt truyền thống |
Mang trong mình bao cảm xúc khi nghĩ đến bao người anh hùng của dân tộc đã ngã xuống, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải ngậm ngùi: “Trải qua bao cuộc kháng chiến oanh liệt, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, không tiếc máu xương để bảo vệ từng tấc đất quê hương và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Họ đã ngã xuống nhưng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sự hy sinh cao cả của các anh sẽ mãi là ngọn lửa thiêng soi sáng con đường đổi mới dân tộc hôm nay. Trong số đó, riêng Sư đoàn 320 đã có gần 15 nghìn Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh và hàng chục nghìn đồng chí đang mang thương tích trên mình”.
Nói về Sư đoàn 320 là một trong sáu đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 16/01/1951 tại Đình Mống Lá (xã Yên Quang, huyện Nho Quan, nay là xã Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).
Trong suốt quá trình chiến đấu đầy gian khổ và hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất, lập nên nhiều chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
![]() |
Ông Phùng Thành Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và những người lính Sư đoàn 320 |
Trong suốt hành trình lịch sử của Sư đoàn 320, các chiến binh Nghệ An – Hà Tĩnh luôn sát cánh cùng CCB cả nước tham gia các hoạt động tri ân Anh hùng liệt sĩ. Trong gần 15.000 liệt sĩ của Sư đoàn đã hy sinh trên các chiến trường, riêng Nghệ An – Hà Tĩnh có hơn 1.200 liệt sĩ cùng hàng chục ngàn thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam.
Trải qua các cuộc chiến khốc liệt đến khi đất nước hoàn toàn hòa bình, những con người đó lại bước vào một hành trình mới: hành trình tri ân – đi tìm đồng đội, khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhiều CCB có mặt hôm nay đã bền bỉ góp sức trên hành trình ấy.
![]() |
Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh phát biểu tại buổi gặp mặt |
Đặc biệt, thực hiện chủ trương xây dựng các nhà bia tri ân đồng đội tại các chiến trường xưa, xây dựng các Di tích lịch sử ở những địa danh ghi dấu ấn chiến công của Sư đoàn. Với tinh thần “Người được sống biết ơn người nằm lại”, các cựu binh Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh trở về đời thường dù tuổi cao sức yếu, có những người trên mình vẫn mang thương tích của chiến tranh, bệnh tật của tuổi già nay họ lại xung phong hành quân trở về trận địa cũ, chiến trường xưa trực tiếp tham gia xây dựng nhà bia tri ân đồng đội. Tâm nguyện ý thành - các nhà bia đã ra đời và trong 4 nhà bia, có 2 nhà bia tại Điểm cao 1049 và 1015 đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 93/QĐ‑TTg ngày 18/01/2022, bổ sung vào quần thể di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.
“Mỗi người lính Sư đoàn 320 đều mang trong mình dòng máu truyền thống 8 chữ vàng, và luôn khắc ghi điều 7 trong 10 lời thề danh dự mà lính cũ ai cũng thuộc: “Trong tình thương yêu giai cấp, hết lòng thương yêu đồng đội, giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như lúc chiến đấu, thực hiện toàn quân một ý chí”. Tình yêu thương đồng đội của họ được thể hiện bằng sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó và sẻ chia trong mọi hoàn cảnh”, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải cho hay.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phùng Thành Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, khẳng định: “Sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và những người lính Sư đoàn 320 năm xưa là nền tảng vững chắc cho hòa bình, độc lập hôm nay. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An luôn khắc ghi và tri ân sâu sắc những cống hiến ấy.”
![]() |
Trao tặng quà thân nhân gia đình liệt sỹ |
![]() |
Tặng quà các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn |
Tại buổi gặp mặt, những CCB Sư đoàn 320 – nguyện tiếp tục gìn giữ và phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, đóng góp tích cực cho xã hội, thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ và sống xứng đáng là những tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường. Truyền thống anh hùng của Sư đoàn là động lực để CCB Sư đoàn 320 đồng hành với chiến sỹ, đồng bào cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Dịp này, Ban tổ chức đã trao nhiều suất quà cho thân nhân các gia đình liệt sỹ và cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.