![]() |
Các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện dự trữ, nắm chắc nguồn hàng, sẵn sàng phục vụ nhân dân khi xảy ra thiên tai. Ảnh minh họa. |
Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Wipha như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong mọi tình huống.
Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thường xuyên bám sát diễn biến, tình hình thị trường; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trước, sau mùa mưa bão. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là trong các giai đoạn trước, trong và ngay sau bão đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng,...
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu (gồm: lương thực, thực phẩm, nước sạch, vật liệu xây dựng, xăng dầu...) phù hợp với tình hình địa phương. Xác định rõ danh mục, số lượng, phương thức bảo quản, vận chuyển và phân phối để sẵn sàng cung ứng kịp thời trong tình huống thiên tai gây chia cắt địa bàn.
Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp đăng ký dự trữ hàng hóa và chính quyền cấp xã phường để vận hành mạng lưới cung ứng hàng hóa ứng phó thiên tai. Thường xuyên cập nhật và báo cáo tình hình cung cầu, giá cả, mạng lưới phân phối, đảm bảo thông tin thông suốt.
Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội ban hành Phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống Nhân dân khi có sự cố, thiên tai trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025. Theo đó, Sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp, đủ phục vụ khoảng 250.000 người trong 7 ngày. Cụ thể: Đồ khô ăn liền (mỳ, cháo, cơm khô, lương khô...) 3 gói/người/ngày; nước uống 2 lít/người/ngày; nến thắp sáng 1 cốc/người/7 ngày; thực phẩm chế biến 1 hộp/người/ngày; sữa uống (hộp giấy) 1 hộp/người/ngày; gạo ăn (dự kiến cho 50.000 người) 0,3 kg/người/ngày..../.