![]() |
Ảnh minh họa |
Vụ đuối nước thương tâm này đã cướp đi sinh mạng của hai cháu bé, 6 tuổi và 14 tuổi, tại hồ chứa nước bon Dinh Plei, xã Trường Xuân, tỉnh Lâm Đồng. Hai nạn nhân được xác định là em Đặng Y. K (14 tuổi) và Đặng Y. H (6 tuổi), trú tại bon N'jang Bơ, xã Trường Xuân. Vụ việc được phát hiện vào khoảng gần 16 giờ ngày 12/7, sau khi hai em đạp xe đến hồ chứa nước Đắk Rung 1, bon Dinh Plei để câu cá vào trưa cùng ngày.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em và các sở, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Lâm Đồng ghi nhận 41 vụ tai nạn thương tích khiến 49 trẻ em tử vong, trong đó có tới 37 trẻ em tử vong do đuối nước.
Từ tình hình trên, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, đặc khu tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em bằng các hình thức đa dạng, phù hợp tới gia đình để quản lý chặt chẽ học sinh trong thời gian nghỉ hè, các thời điểm bão, lũ, thiên tai. Đồng thời, vận động các gia đình chủ động đưa trẻ em đi học bơi an toàn và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; không cho trẻ em tắm ở sông, suối, ao, hồ và vui chơi ở những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước khi không có người lớn biết bơi đi cùng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, quản lý, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ đuối nước và các biện pháp phòng, chống. Ưu tiên dành nhiều thời lượng, tin, bài phổ biến kiến thức, kỹ năng, các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em.
Sở Y tế có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em phù hợp với tình hình thực tế , và báo cáo công tác phòng, chống đuối nước trẻ em về Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Ủy ban Nhân dân các xã, phường, đặc khu cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, các đơn vị, cá nhân liên quan. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình rà soát, phát hiện kịp thời các địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước để có biện pháp phòng ngừa, khắc phục. Yêu cầu người dân cam kết tổ chức rào chắn khu vực ao, hồ tự đào trong khu vực vườn, trại và chịu trách nhiệm nếu không rào chắn để xảy ra đuối nước. Thành lập các Tổ công tác, tăng cường kiểm tra việc rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm bơi lội tại các ao, hồ, sông suối, các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước. Đồng thời, đặt thêm các vật dụng nổi (cây sào, phao, can nhựa...), giăng dây để làm chỗ bám khi bị rơi xuống nước và chờ người đến ứng cứu. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không đưa trẻ em theo khi đi làm tại các khu vực có ao, hồ, sông, suối hoặc có các biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội được đề nghị phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước ở trẻ em, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, người dân trong công tác này.
Vụ đuối nước thương tâm này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em, đặc biệt trong các kỳ nghỉ hè và mùa mưa bão. Các cấp chính quyền và toàn xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ an toàn cho trẻ em, tránh những tai nạn đáng tiếc tương tự xảy ra trong tương lai./.