![]() |
Các thành viên nhóm dự án LotusEase – Máy tách vỏ hạt sen tươi chụp ảnh cùng sản phẩm hoàn thiện tại xưởng thực hành. Dự án mang đến giải pháp công nghệ nhằm tháo gỡ “nút thắt” trong khâu chế biến, góp phần nâng cao giá trị cho ngành sen Việt. |
Dự án LotusEase ra đời như một giải pháp mới cho “nút thắt” lâu đời của ngành sen Việt, khi công đoạn tách vỏ hạt sen tươi – vốn mất nhiều thời gian, dễ làm hư hỏng hạt và phụ thuộc vào lao động thủ công – lâu nay vẫn là trở ngại lớn trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản này.
Tại nhiều vùng trồng sen như Quảng Trị, Huế, Quảng Nam hay Đồng Tháp, hạt sen là nông sản có giá trị cao, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, công đoạn tưởng như đơn giản là tách vỏ hạt sen tươi lại đang là một bài toán nan giải trong chuỗi sơ chế – chế biến. Làm thủ công tốn nhiều thời gian, nhân công và dễ làm gãy hạt, trong khi các máy móc trên thị trường lại chủ yếu phục vụ hạt sen khô, giá thành cao, không phù hợp với quy mô làng nghề truyền thống.
Xuất phát từ thực tế này, nhóm sinh viên thuộc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã nghiên cứu và chế tạo thành công LotusEase – thiết bị bán tự động có khả năng xử lý tới 50kg hạt sen tươi mỗi giờ, với tỷ lệ hạt nguyên trung bình 88–91%. Máy có thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, dễ bảo trì và đặc biệt phù hợp với các hộ sản xuất nhỏ, hợp tác xã và làng nghề trồng sen truyền thống.
![]() |
Nhóm sinh viên Đại học Đà Nẵng cùng Máy tách vỏ hạt sen tươi, với các điểm đổi mới như cơ cấu nâng cam và cơ cấu lắc bàn dao, tại vòng sơ khảo cuộc thi SV_STARTUP-2025. |
Dưới sự hướng dẫn của TS. Bùi Văn Hùng – giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, nhóm tác giả gồm Võ Dư Định, Mai Đức Hưng, Nguyễn Hưng Tâm, Lê Anh Vân (sinh viên Khoa Cơ khí); Phạm Thị Thu Thủy (Khoa Kinh tế) và Lê Thị Cẩm Đoan (Khoa Kinh doanh Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế). Đây là sự kết hợp tiêu biểu giữa kiến thức kỹ thuật và kinh tế, giúp dự án phát triển không chỉ ở khía cạnh sản phẩm mà còn chú trọng đến mô hình thương mại hóa, khả năng nhân rộng và phát triển bền vững.
Hiện nay, LotusEase đã hoàn thiện nguyên mẫu, đang được thử nghiệm thực tế tại một số làng sen ở miền Trung và dự kiến sẽ tiếp cận khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi có diện tích trồng sen lớn và nhu cầu cao về cơ giới hóa trong sản xuất.
Điểm đáng chú ý của dự án là định hướng phát triển theo xu thế nông nghiệp xanh, với mục tiêu tích hợp năng lượng tái tạo và tận dụng phụ phẩm sau tách làm phân bón hữu cơ. Nhóm đang nghiên cứu tích hợp năng lượng mặt trời để vận hành máy, đồng thời thử nghiệm quy trình tái chế lớp vỏ hạt sen sau sơ chế. Đây là hướng đi phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Ngay từ khi mới ra mắt, LotusEase đã giành giải Đặc biệt tại cuộc thi Khởi nghiệp cấp trường do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tổ chức. Dự án cũng nhận được sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị nông nghiệp, với đề xuất hợp tác phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
![]() |
Nhóm sinh viên Đại học Đà Nẵng nhận Giải Đặc biệt tại cuộc thi SV_STARTUP-2025 với dự án “LotusEase – Máy tách vỏ hạt sen tươi bán tự động”, tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng. |
Hiện tại, LotusEase là một trong 10 dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo thành phố Đà Nẵng – SURF 2025, do Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (DNES) tổ chức. Cuộc thi năm nay thu hút 62 dự án tham gia, trong đó 31 dự án được chọn vào vòng sơ loại. Sau khi đánh giá các tiêu chí như tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, tác động xã hội và tiềm năng thị trường, ban giám khảo đã chọn ra Top 10 xuất sắc nhất vào vòng chung kết.
Trước khi bước vào vòng thi cuối cùng, các nhóm sẽ được huấn luyện chuyên sâu trong hai ngày 17–18/7 tại Trung tâm DNES, với sự hướng dẫn từ các chuyên gia về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Vòng chung kết SURF 2025 dự kiến sẽ diễn ra ngày 29/7 tại Nhà khách Quốc hội Đà Nẵng (NALOD) – hứa hẹn là nơi hội tụ của những ý tưởng đột phá và các giải pháp công nghệ sáng tạo hàng đầu khu vực.
Không chỉ đơn thuần là một thiết bị hỗ trợ sản xuất, LotusEase là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đổi mới sáng tạo của sinh viên Việt Nam, khởi nguồn từ nhu cầu thực tiễn của người dân và cộng đồng. Với mục tiêu giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường xuất khẩu trong tương lai, nhóm tác giả đang từng bước đưa ý tưởng từ giảng đường ra thực tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam./.