![]() |
Xác lợn trôi nổi trên kênh thủy lợi N2, qua địa bàn xã Minh Châu. (Ảnh: HL) |
Lắp lưới chắn xác lợn
Từ đầu tháng 5/2025 đến cuối tháng 7/2025, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Minh Châu (Nghệ An) vẫn đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh đã xảy ra tại 29 xóm với 168 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Tổng số con lợn buộc tiêu hủy 435 con, với trọng lượng hơn 25 tấn. Bên cạnh đó trong thời gian qua, UBND xã đã xử lý xác chết lợn trôi dạt trên kênh N2, N86, N29 với số lượng 36 con.
Người dân địa phương cho biết, tình trạng xác động vật trôi theo dòng nước về khu vực này xảy ra thường xuyên. Có những con lợn nặng cả tạ, đã bốc mùi nồng nặc, nguy cơ ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh là rất lớn.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật trên địa bàn. Địa phương này đã tiến hành lắp lưới chắn rác trên tuyến kênh N2 để kịp thời phát hiện, xử lý những xác lợn trôi nổi trên kênh.
![]() |
Chính quyền địa phương lắp lưới chắn trên kênh thủy lợi N2. (Ảnh: LH) |
Theo lãnh đạo UBND xã Minh Châu, kênh N2 thuộc dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An chạy qua 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu trước đây. Nguồn nước sẽ phục vụ tưới cho hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước công nghiệp, nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, người dân địa phương vô cùng lo lắng khi chứng kiến nhiều xác lợn chết, đang trong quá trình phân hủy, trôi nổi lềnh bềnh giữa dòng kênh N2. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
![]() |
Lưới chắn được lắp 2 vị trí ở trên kênh N2, qua địa bàn xã Minh Châu. (Ảnh: VH) |
Do không thể truy xuất nguồn gốc, chính quyền xã đã tổ chức thu gom và tiêu hủy khẩn cấp bằng cách đào hố sâu, rắc vôi bột và phun hóa chất khử khuẩn.
Để ngăn chặn tình trạng tiếp diễn, UBND xã Minh Châu đã có tờ trình gửi Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An và Xí nghiệp Thủy lợi Diễn Châu đề xuất được lắp lưới chắn rác tạm thời tại hai vị trí trọng điểm trên tuyến kênh N2 bao gồm: Km14+960 (thuộc đất xã Diễn Thắng cũ) và Km18+300 (giáp ranh giữa 2 xã Diễn Thắng và Diễn Cát cũ).
Hệ thống lưới được làm bằng thép tròn, các ô lưới có kích thước 40x40 cm và được thiết kế linh hoạt để tháo lắp khi lưu lượng nước lớn. Theo cam kết của xã, quá trình lắp đặt vẫn đảm bảo dòng chảy phục vụ sản xuất và không gây ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi chung.
![]() |
Sau khi lắp lưới chắn, đã kịp thời ngăn chặn một số xác lợn trôi kênh. (Ảnh: VH) |
Sau khi lắp lưới, lực lượng chức năng đã phát hiện một số xác lợn chết và tiến hành tiêu hủy theo quy định. Góp phần ngăn chặn các xác lợn trôi xuống địa bàn khác, làm ảnh hưởng đến môi trường.
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu, ông Lê Thế Hiếu cho biết: “Khó khăn nhất là việc xác định nguồn gốc xác lợn chết. Kênh N2 chảy qua nhiều xã của huyện Yên Thành cũ trước khi chảy qua địa bàn xã, nên chúng tôi không thể biết chính xác lợn được vứt từ địa phương nào. Việc lắp lưới chắn rác chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp. Còn việc xử lý tận gốc cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương”.
![]() |
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát khiến người chăn nuôi Nghệ An thiệt hại nặng nề. (Ảnh: VH) |
Bí thư, Chủ tịch xã chịu trách nhiệm nếu bệnh dịch lan rộng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 514 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 28/34 tỉnh, thành phố.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ tháng 5/2025 đến nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và lây lan rộng tại nhiều địa phương. Các xã có dịch phức tạp như: Hoa Quân, Bích Hào, Minh Châu, Tam Đồng, Đại Đồng, Anh Sơn, Con Cuông, Quảng Châu, An Châu... Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các công điện về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
![]() |
Hơn 25 tấn lợn ở Nghệ An bị tiêu hủy do bị dịch tả Châu Phi. (Ảnh: VH) |
Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh khi không có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấu dịch, buôn bán động vật bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác ra môi trường gây lây lan dịch bệnh và ô nhiễm... Đồng thời, tổ chức rà soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã, phường sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, trước pháp luật nếu chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến khó lường, ngành chăn nuôi Nghệ An đang chịu nhiều tổn thất. Để kiểm soát hiệu quả, ngoài sự nỗ lực từ chính quyền và ngành chức năng, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, tự giác của người dân trong thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.