![]() |
Mô hình nuôi cá tầm tại tỉnh Lâm Đồng |
Theo Báo báo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, hiện nay tỉnh có tổng diện tích tự nhiên gần 1 triệu ha cùng hệ thống sông suối dày đặc, Lâm Đồng có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Khí hậu ôn hòa quanh năm là yếu tố quan trọng giúp địa phương này nổi bật trong nuôi cá nước lạnh, một ngành còn ít được phát triển ở Việt Nam.
Tổng diện tích mặt nước thả nuôi của tỉnh duy trì ở mức 2.521 ha, trong đó thủy sản truyền thống (cá trắm, mè, chép, trôi) chiếm hơn 97%, phân bố chủ yếu tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai và TP Bảo Lộc. Riêng cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi phát triển mạnh tại Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và Đà Lạt với diện tích 55 ha và 120 cơ sở nuôi. Sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt khoảng 11.000 tấn/năm, trong đó cá nước lạnh chiếm gần 21%. Về phương thức sản xuất, quảng canh và quảng canh cải tiến vẫn phổ biến, chiếm khoảng 83%, còn lại là các hình thức thâm canh và bán thâm canh dành cho cá nước lạnh.
Nhu cầu giống trên địa bàn tỉnh khoảng 36 triệu con/năm, trong đó cá truyền thống chiếm gần 31 triệu con, còn lại là cá nước lạnh. Tỉnh hiện có 16 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống, phần lớn nguồn giống truyền thống được nhập từ Đồng Nai, TP.HCM, còn cá nước lạnh chủ yếu nhập khẩu trứng từ châu Âu để ấp nở tại địa phương.
Bám sát Quyết định 1408/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành chế biến thủy sản Lâm Đồng đã có những bước tiến rõ rệt. Tổng sản lượng chế biến đạt khoảng 17.000 tấn/năm, với các sản phẩm chính gồm cá tầm phi lê, cá rô phi tẩm gia vị, cá hồi xông khói. Các sản phẩm chủ lực được tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước tiếp cận thị trường nước ngoài. Đặc biệt, sản phẩm cá tầm Đa Nhim (Lạc Dương) đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương.
Toàn tỉnh hiện có trên 35 cơ sở chế biến thủy sản nhỏ và vừa. Phần lớn đã được hỗ trợ tập huấn sản xuất theo chuẩn an toàn thực phẩm (GMP), liên kết chặt chẽ với người nuôi thông qua chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Các mô hình này đang hoạt động hiệu quả tại Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng và Đơn Dương. Chính quyền tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như ưu đãi lãi suất, hỗ trợ đầu tư máy móc, đào tạo lao động và xúc tiến thương mại. Một số cơ sở đã bước đầu ứng dụng công nghệ hiện đại như cấp đông nhanh, hút chân không, chế biến tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Cùng với phát triển sản xuất, công tác bảo vệ môi trường trong ngành thủy sản được Lâm Đồng đặc biệt chú trọng. Tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo Quyết định 911/QĐ-TTg, đồng thời tổ chức quan trắc định kỳ chất lượng nước tại các vùng nuôi trọng điểm. Một số mô hình xử lý nước thải bằng chế phẩm sinh học đã được áp dụng tại các vùng nuôi cá tầm ở Đạ Nhim và Đạ Sar. Khoảng 80% cơ sở chế biến nhỏ lẻ được hướng dẫn phân loại và xử lý chất thải. Tỉnh cũng triển khai mô hình thu gom bao bì thuốc thủy sản sau sử dụng tại xã Đạ Nhim, mang lại hiệu quả bước đầu.
Lâm Đồng đã tổ chức hai đợt diễn tập ứng phó sự cố môi trường tại hồ Tuyền Lâm và Đa Nhim, thành lập tổ ứng cứu môi trường cấp huyện tại Đức Trọng và Đơn Dương. Ngoài ra, một số HTX đã tiên phong triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn: nuôi cá kết hợp tưới rau, tận dụng bùn thải làm phân bón hữu cơ, tái chế phụ phẩm chế biến. Hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều lớp tập huấn và tài liệu hướng dẫn, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng người nuôi thủy sản.
Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành thủy sản Lâm Đồng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu hạ tầng xử lý nước thải tập trung, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn nhân lực kỹ thuật còn hạn chế và khó tiếp cận công nghệ mới. Giai đoạn 2025–2030, tỉnh đặt mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, hiện đại và thân thiện môi trường. Một số định hướng chính gồm:
Quy hoạch vùng nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, ưu tiên phát triển cá nước lạnh tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng; Đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu đạt trên 40%; Tăng cường quản lý môi trường, nhân rộng mô hình tuần hoàn, áp dụng công nghệ sinh học; Ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và cảnh báo môi trường trực tuyến; Đào tạo, nâng cao năng lực, đặc biệt cho cán bộ cấp huyện, xã; Liên kết vùng và mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Với những nỗ lực đồng bộ và định hướng rõ ràng, ngành thủy sản Lâm Đồng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương trong những năm tới./.