![]() |
Đồng Nai chú trọng mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là định hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp và nông thôn |
Tính đến tháng 6-2025, Đồng Nai tự hào sở hữu 439 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 11 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Đặc biệt, riêng tỉnh Đồng Nai (cũ) đã có 298 sản phẩm OCOP được chứng nhận, bao gồm 8 sản phẩm 5 sao và 50 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm chủ lực bao gồm nông sản chế biến như mít, dứa, khoai môn, chuối, cà phê hòa tan, cà phê truyền thống. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, góp phần đa dạng hóa hình thức sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, tỉnh Bình Phước (cũ) cũng đóng góp đáng kể với 141 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 đến 5 sao, bao gồm 3 sản phẩm 5 sao và 73 sản phẩm 4 sao, với sự tham gia của 99 chủ thể. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương đã được cấp giấy chứng nhận, nổi bật là các sản phẩm từ hạt điều (như hạt điều tỏi ớt, hạt điều phô mai, hạt điều rang muối), yến (yến sào tinh chế, yến chưng hũ), cà phê, hồ tiêu, dưa lưới, sầu riêng và bưởi.
Sự phát triển vượt bậc về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và bao bì sản phẩm OCOP cho thấy trình độ sản xuất của nông dân đã có những tiến bộ rõ rệt. Đây là thành quả của sự chỉ đạo hiệu quả từ cấp tỉnh đến cơ sở, cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và sự hưởng ứng của người dân.
Các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị và trung tâm thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Điển hình như siêu thị Co.opmart Đồng Xoài không chỉ cung cấp các sản phẩm chất lượng mà còn là cầu nối đưa sản phẩm OCOP của nông dân Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đến gần hơn với người tiêu dùng.
Một Lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, Sở sẽ triển khai các kế hoạch chiến lược nhằm kết nối sản phẩm OCOP vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trong tỉnh, từ đó nâng cao tỷ lệ sản phẩm OCOP địa phương trên các kệ hàng. Một trong những tiêu chí quan trọng là nâng cao trách nhiệm của các siêu thị trong việc hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên kệ hàng, thậm chí nghiên cứu phương án gắn việc này với việc đánh giá, phân hạng siêu thị.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ, việc Đồng Nai chú trọng mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là định hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp và nông thôn. Với sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cùng với sự hỗ trợ từ các kênh phân phối hiện đại, các sản phẩm OCOP Đồng Nai sẽ tiếp tục vươn xa, không chỉ khẳng định vị thế trên thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt và cải thiện đời sống cho cộng đồng./.