![]() |
GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp Hội hữu cơ Việt Nam |
Miền núi có nhiều lợi thế phát triển hữu cơ
PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, đã đồng hành và dành nhiều tâm huyết để phát triển các mô hình nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại vùng này?
GS.TS Đào Thanh Vân: Vùng trung du và miền núi phía Bắc là một khu vực có diện tích rất lớn của nước ta. Nếu tính theo đơn vị hành chính cũ thì vùng này gồm có 14 tỉnh và 14 tỉnh đó phần lớn có địa hình chia cắt phức tạp. Tuy nhiên, các vùng này lại phát triển đa dạng các loại cây trồng, bao gồm cả cây nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp và nhiều trong số đó có thể tổ chức sản xuất về nông nghiệp hữu cơ. Có thể kể đến các loại cây địa phương như ở cây chè ở Thái Nguyên, quýt ở Bắc Giang, mận ở Bắc Hà, đào ở Sa Pa, cây dược liệu ở Lai Châu, Hà Giang…
Thứ hai, khu vực miền núi phía Bắc còn chưa chịu nhiều tác động của thâm canh nên có điều kiện tốt hơn để tiệm cận đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Người dân tại vùng đó phần lớn đã quen canh tác theo phương pháp truyền thống, ít có sự tác động của các yếu tố bên ngoài như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, chất kích thích sinh trưởng so với những vùng khác. Do đó, khi chuyển đổi những diện tích cây trồng ở vùng này sang sản xuất hữu cơ sẽ thuận lợi hơn so với những địa phương đã thâm canh từ lâu, đất đai, môi trường, hệ sinh thái đã chịu tác động nặng nề.
PV: Xin ông giới thiệu một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc? Theo ông, điểm chung của những mô hình thành công này là gì?
GS.TS Đào Thanh Vân: Ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tốt. Như ở tại Thái Nguyên vốn có lợi thế về chè với diện tích canh tác chè khoảng hơn 24.000 ha. Trong năm 2017, 2018, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực; trong đó xác định chè là cây trồng chủ lực. Đồng thời, có nhiều hoạt động thúc đẩy xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, diện tích chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Thái Nguyên đã đạt khoảng 100ha.
Ngoài Thái Nguyên thì các tỉnh lân cận như Tuyên Quang cũng có mô hình sản xuất cam hữu cơ; Bắc Kạn (cũ) có mô hình sản xuất dược liệu hữu cơ, bí thơm hữu cơ; Hà Giang (cũ) có vùng chè hữu cơ Tây Côn Lĩnh; Hòa Bình (cũ) có rau hữu cơ; Điện Biên có chè Tủa Chùa; Lai Châu có sản phẩm dược liệu ở Sìn Hồ…
Các mô hình này có nhiều điểm chung nhưng dễ thấy nhất là đều có sự đồng hành của các cấp chính quyền và người dân để thực hiện các sản phẩm. Thứ hai là có những sản phẩm đặc thù và những sản phẩm đó có thể dễ dàng để chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ. Thứ ba là các mô hình này đã tạo ra sự liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ để các sản phẩm hữu cơ có thể đến người tiêu dùng một cách đích thực nhất.
Khơi thông điểm nghẽn bằng chính sách
PV: Xin ông cho biết, những yếu tố nào đang là rào cản, điểm nghẽn trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại vùng vùng Trung du và miền núi phía Bắc?
GS.TS Đào Thanh Vân: Hiện nay, việc triển khai nông nghiệp hữu cơ vẫn còn một số rào cản. Trong đó, rào cản đầu tiên, cũng là rào cản lớn nhất là tập quán canh tác của người nông dân. Quy trình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Thế nhưng, tại nhiều vùng, người dân vẫn quen với tập quán canh tác truyền thống, cách tác thâm canh…, chưa đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ.
Thứ hai, giá thị trường sản phẩm hữu cơ hiện nay còn thấp bởi người tiêu dùng chưa đủ hiểu biết về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nhiều khi người ta so sánh giữa một cái sản phẩm thông thường với sản phẩm hữu cơ, thấy giá của sản phẩm có thể gấp đôi, gấp ba lại ngần ngại, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ.
Thứ ba, tuy đã có nhiều cơ sở sản xuất được sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ nhưng hiện nay trên thị trường vẫn xuất hiện hiện tượng các sản phẩm bán hữu cơ, giả hữu cơ gắn mác đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính.
PV: Để khơi thông những điểm nghẽn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, theo ông, cần có những chính sách như thế nào để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ tại khu vực miền núi?
GS.TS Đào Thanh Vân: Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khung để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. Từ Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong 63 tỉnh thành theo đơn vị hành chính cũ, đã có khoảng 10 tỉnh, thành ban hành đề án riêng về phát triển nông nghiệp hữu cơ, riêng vùng mình cũng đã có những tỉnh như: Hà Giang (cũ), Tuyên Quang (cũ), Cao Bằng (cũ)… Đây là những địa phương có định hướng rõ ràng, gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với đặc thù nông sản địa phương và nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bền vững đang lên. Đó là thuận lợi của chúng ta. Tuy nhiên, các chính sách hiện nay vẫn cần phải kiểm định thông qua thực tiễn để thay đổi cho phù hợp.
Bên cạnh việc hỗ trợ vật tư đầu vào (phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học), các địa phương cũng cần tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ chuẩn cho nông dân. Đồng thời, có thêm những chính sách để thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ – cả trong nước lẫn quốc tế…
PV: Nhìn từ góc độ của người nông dân, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững được xác định là xu thế tất yếu, đặc biệt tại các khu vực miền núi – nơi còn nhiều rào cản về nhận thức và tập quán canh tác, xin ông cho biết, đâu là giải pháp căn cơ để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp bền vững?
GS.TS Đào Thanh Vân: Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt là tại các vùng miền núi – nơi có nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức – thì việc nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân là giải pháp căn cơ, có tính quyết định.
Thứ nhất, cần đầu tư bài bản vào công tác đào tạo và truyền thông, giúp người dân hiểu đúng về nông nghiệp hữu cơ. Vì sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ là phương pháp canh tác "không dùng hóa chất", mà còn là một cách tiếp cận tổng thể: canh tác thuận tự thiên, tôn trọng đất đai, nguồn nước, sức khỏe cộng đồng và hướng đến một chuỗi giá trị bền vững...
Thứ hai, cần xây dựng cơ chế kết nối hiệu quả giữa người sản xuất và thị trường. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ khó duy trì lâu dài là sản phẩm không tiêu thụ được, giá bán chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Do đó, phải quy hoạch lại đầu ra sản phẩm hữu cơ: từ liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối đến xúc tiến thương mại – trong nước và xuất khẩu. Chỉ khi sản phẩm hữu cơ có đầu ra ổn định, người nông dân mới yên tâm sản xuất.
Thứ ba, không thể thiếu vai trò đồng hành của Nhà nước và các tổ chức xã hội. Hỗ trợ chính sách, hạ tầng, vốn, kỹ thuật – những điều này rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là có cơ chế kịp thời, linh hoạt để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp khi gặp khó. Phải gắn kết được người sản xuất với người tiêu dùng. Một nền nông nghiệp hữu cơ chỉ bền vững khi cả xã hội cùng nhìn nhận đúng giá trị của sản phẩm hữu cơ.
Động lực mới từ chuyển đổi số
PV: Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đang từng bước định hình lại phương thức sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương. Theo ông, những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện nay có thể đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ người nông dân miền núi tiếp cận và thực hành nông nghiệp hữu cơ một cách hiệu quả và bền vững hơn?
GS.TS Đào Thanh Vân: Tại Việt Nam, chuyển đổi số nông nghiệp được xem là đòn bẩy quan trọng giúp ngành nông nghiệp tối ưu hóa năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường quốc tế.
Đối với nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số đã được triển khai trong nhiều khâu của quá trình sản xuất. Đơn cử, việc xác định vùng sản xuất, cấp mã số vùng trồng, và ứng dụng bản đồ số đã giúp quản lý hiệu quả diện tích canh tác, truy vết nguồn gốc sản phẩm và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.
Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày nay đều có thể gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã là có thể nắm được toàn bộ quy trình sản xuất, giúp tăng độ minh bạch, uy tín và giá trị thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, nhiều địa phương và doanh nghiệp cũng đã áp dụng phần mềm nhật ký điện tử, giúp ghi lại toàn bộ quá trình sản xuất – từ khâu bón phân, tưới nước đến quản lý sâu bệnh – một cách khoa học, có hệ thống.
![]() |
Chuyển đổi số đã được triển khai trong nhiều khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp tăng độ minh bạch, uy tín và giá trị thương hiệu cho sản phẩm. (Ảnh: Thảo My) |
Ngoài ra, nhiều tiến bộ công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất hữu cơ. Có thể kể đến như: Công nghệ vi sinh vật: tạo ra các chủng vi sinh giúp tổng hợp dinh dưỡng từ thiên nhiên, từ đó giúp cây trồng hấp thu tốt hơn, tăng sức đề kháng tự nhiên.
Sensor cảm biến thông minh: đo độ ẩm, độ pH, mức dinh dưỡng trong đất, từ đó đưa ra cảnh báo kịp thời về nhu cầu nước, phân bón… giúp tối ưu chi phí và bảo vệ môi trường.
Thiết bị bay không người lái (drone): được sử dụng để giám sát đồng ruộng, chụp ảnh đánh giá sinh trưởng, thậm chí phun chế phẩm sinh học một cách chính xác, tiết kiệm công lao động.
Máy móc chế biến hiện đại: giúp bảo quản, đóng gói và nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Với những thiết bị tiên tiến, các loại nông sản hữu cơ có thể được chế biến sâu như làm bột, kẹo, tinh dầu, dược phẩm, mỹ phẩm – từ đó mở rộng đầu ra và tăng giá trị gấp nhiều lần.
Như vậy, kết hợp chuyển đổi số và khoa học công nghệ chính là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý bền vững, và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, để các công nghệ này thực sự phát huy hiệu quả, vẫn cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ từ địa phương, đặc biệt là ở các vùng còn hạn chế về hạ tầng và kỹ thuật như miền núi, trung du.
PV: Xin ông hãy nhắn gửi một lời khuyên đến những người làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam?
GS.TS Đào Thanh Vân: Làm nông nghiệp hữu cơ, trước hết phải bắt đầu từ cái tâm của người sản xuất. Tâm trong việc làm ra một sản phẩm thật, sạch, an toàn; tâm trong việc đối xử tử tế với đất đai, sinh thái và môi trường – vì đó chính là "đối tượng sản xuất" đặc biệt của nông nghiệp hữu cơ.
Khi đất được chăm sóc đúng cách, hệ sinh thái được bảo vệ, tự nhiên sẽ "hồi đáp" bằng những vụ mùa bền vững và những sản phẩm tiệm cận thiên nhiên.
Chúng tôi thường nhấn mạnh với bà con nông dân bốn nguyên tắc cốt lõi trong nông nghiệp hữu cơ, do IFOAM – Tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế đề xuất, gồm: nguyên tắc sinh thái, nguyên tắc sức khỏe, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc thận trọng.
Khi đảm bảo đủ 4 nguyên tắc đó, chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp bền vững, như câu slogan: “Nông nghiệp hữu cơ - Tương lai tươi sáng”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Đào Thanh Vân./.