![]() |
Anh Trầm Minh Thuần cùng nông dân trong hợp tác xã trên cánh đồng mô hình lúa - tôm. |
Dù tốt nghiệp thạc sĩ ngành luật kinh tế, thay vì chọn công việc văn phòng tại các thành phố lớn, anh Thuần lại quyết định quay về quê nhà thành lập HTX nông nghiệp. Anh Thuần vốn xuất thân trong gia đình thuần nông nên có sự gắn bó đặc biệt với cây lúa. Sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ, nhận thấy quê hương mình có tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn, đặc biệt là trong việc xây dựng mô hình HTX nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Nhận thức rõ về những khó khăn mà người nông dân địa phương đang đối mặt như thiếu nguồn vốn, công nghệ và đầu ra cho sản phẩm, anh quyết tâm thành lập HTX nông nghiệp để cùng bà con vượt qua những thách thức này.
Tháng 7-2018, HTX nông nghiệp Long Hiệp ra đời hoạt động với 61 thành viên, với diện tích hơn 50ha trồng lúa, kết hợp nuôi tôm càng xanh. Nhờ làm ăn hiệu quả, bà con bắt đầu tin tưởng tham gia và hiện nay HTX có đến 72 thành viên, sản xuất trên diện tích 220ha. “Ban đầu, việc vận động người dân tham gia HTX vô cùng khó khăn vì họ thấy tôi còn trẻ, điều kiện kinh tế chưa phát triển và nhiều HTX khác đang hoạt động hiệu quả không cao. Tôi phải cố gắng thuyết phục, cam kết cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận và đặc biệt nông dân sẽ được thu mua lúa với giá cao hơn so với giá thị trường nên bà con tin tưởng tham gia”, anh Thuần kể.
Anh Thuần còn tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo, đưa nghề sản xuất lúa gạo hữu cơ - kết hợp nuôi tôm càng xanh ngày càng phát triển bền vững. Sau đó anh quyết định chuyển sang làm sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo riêng cho HTX là “Hạt Ngọc Rồng”. Sản phẩm gạo “Hạt Ngọc Rồng” của HTX nông nghiệp Long Hiệp đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao. “Khi có đối tác, tôi quyết định chuyển sang làm sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo. Sau khi thu mua lúa của nông dân, đem về thuê nhà máy xay xát ra gạo rồi đóng gói, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm là “Hạt Ngọc Rồng” và đem ra giới thiệu thị trường”, anh Thuần nói.
Hiện đa số các xã viên HTX nông nghiệp Long Hiệp gieo sạ các giống lúa như ST25, OM18, OM5451. Riêng vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa đạt từ 6-7,5 tấn/ha, cao hơn năm 2024. “HTX khi xây dựng thương hiệu gạo phải theo quy trình an toàn, sạch và hướng đến hữu cơ. Để làm được điều đó, Ban quản trị HTX đưa ra quy trình canh tác để bà con xã viên làm theo, dần dần đưa từ an toàn, sạch rồi đến hữu cơ. Hiện các xã viên đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để vừa có sản phẩm gạo chất lượng mà còn thu được thêm nguồn lợi thủy sản tôm càng xanh”, anh Thuần chia sẻ.
Theo anh Thuần, năm 2024, lợi nhuận của HTX nông nghiệp Long Hiệp vào khoảng 1,4 tỉ đồng; năm 2023 là 1,1 tỉ đồng. Về định hướng phát triển HTX trong thời gian tới, anh Thuần sẽ mua máy bay không người lái (drone) để làm dịch vụ phun thuốc, bón phân. Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ tăng thêm 30% diện tích vùng trồng lúa cho HTX (tăng khoảng 100ha), cùng với đó là tăng sản lượng bao tiêu và hướng tới xuất khẩu.
Năm 2020, anh Thuần được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của. Năm 2021, anh đạt danh hiệu TOP 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Vừa qua, anh là người trẻ tuổi nhất trong 63 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.