![]() |
Người dân xã miền núi Mường Xén tất tả chạy lũ trong đêm. |
Người dân tất tả chạy lũ trong đêm
Mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 tiếp tục trút xuống ở vùng núi Nghệ An khiến mực nước các sông, suối lên cao, kết hợp với nhiều nhà máy thủy điện vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn.
Tại xã Mường Xén (huyện Kỳ Sơn cũ), nước từ sông Nậm Mộ dâng cuồn cuộn kết hợp thủy điện Nậm Mô vận hành xả lũ khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, giao thông trên Quốc lộ 7A nhiều đoạn bị chia cắt. Tại các khối 1, 2, 3, 4 và 5 ở xã Mường Xén nước ngập gần 1m.
![]() |
Đồ đạc của người dân trôi theo dòng nước lũ. |
Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén, ông Nguyễn Viết Hùng cho biết, lũ về nhanh, nước dâng cao khiến nhiều nhà dân bị ngập, sạt lở. Hiện các lực lượng công an, dân quân... khẩn trương chạy đua với nước lũ, xuyên đêm tổ chức di dời các hộ dân vùng nguy cơ cao.
"Không để người dân nào bị cô lập, không để thiệt hại về người. Ưu tiên bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân", ông Hùng nhấn mạnh.
![]() |
Nước lũ lên quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp. |
Hiện tại, mưa vẫn chưa ngớt, nước tiếp tục dâng cao ở sông, suối, hàng trăm hộ dân đang tại xã Mường Xén phải gấp rút sơ tán trong đêm. Chính quyền địa phương duy trì chế độ trực chiến, dốc toàn lực ứng cứu, quyết tâm giảm thiểu thiệt hại.
Ngoài xã Mường Xén, xã Na Loi, Mỹ Lý, Bắc Lý (thuộc huyện Kỳ Sơn cũ) các lực lượng đang xuyên đêm hỗ trợ, ứng cứu người dân khi mưa chưa ngớt, nước lũ còn dâng cao.
Trong đêm 22/7, chính quyền xã Nậm Cắn cho biết, bà Lỳ Y D. (70 tuổi, trú ở bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn) bị nước lũ cuốn trôi. Hiện các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm tung tích nạn nhân.
![]() |
Chính quyền xã Mường Xén cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét. |
Trong một diễn biến khác, do mưa lớn kết hợp với thủy điện vận hành xả lũ, mực nước sông Hiếu lên nhanh khiến một số điểm trên Quốc lộ 48 bị ngập sâu.
Đặc biệt, đoạn qua dốc Bù Bài (khu vực giáp ranh xã Quỳ Châu và xã Châu Tiến) bị ngập sâu, Công an xã Quỳ Châu đã tổ chức cắm biển cảnh báo, cấm các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Nghệ An đến 19h ngày 22/7 cho biết, trên địa bàn đã có 1 người ở xã Yên Thành bị thương; 1 người mất tích ở xã Nậm Cắn do bị nước lũ cuốn trôi.
Hơn 160 căn nhà ở các xã Bạch Ngọc, Quang Đồng, Yên Thành, Vĩnh Tường, Châu Bình, Nhôn Mai, Yên Hòa, Na Loi, Hữu Kiệm, Mường Xen bị thiệt hại; 48 căn nhà ở các xã Châu Bình, Nghĩa Hưng, Nhôn Mai bị ngập nước.
![]() |
Mưa bão đã khiến hàng trăm căn nhà ở Nghệ An bị tốc mái, hư hỏng. |
Bên cạnh đó, hơn 150ha lúa, 286ha mạ, gần 550ha rau màu và cây trồng hàng năm bị thiệt hại; hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Trước diễn biến phức tạp của mưa bão số 3, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, các địa phương triển khai kịp thời công tác ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, hoàn lưu bão gây ra.
![]() |
Nước sông lên nhanh khiến một số điểm trên Quốc lộ 7A bị ngập, gây ách tắc giao thông. |
Hàng loạt thủy điện vận hành xả lũ
Trong đêm 22/7, hàng loạt nhà máy thủy điện ở Nghệ An đã có thông báo vận hành điều tiết hồ chứa như Thủy điện Nậm Mô, Khe Bố, Chi Khê, Nhạn Hạc, Sao Va, Nậm Giải, Sông Quang... Việc điều tiết mực nước hồ chứa đồng loạt khiến các địa phương vùng hạ du đứng trước nguy cơ bị ngập sâu.
Đáng chú ý, bắt đầu từ 16h ngày 22/7, Công ty thủy điện Bản Vẽ đã vận hành điều tiết nước hồ chứa với lưu lượng xả từ 300m3/s đến 1.600 m3/s (bao gồm lưu lượng xã qua các cửa van đập tràn và tổ máy phát điện) và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ.
![]() |
Nghệ An cảnh báo hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do hoàn lưu bão số 3 gây ra. |
Thủy điện Bản Vẽ có công suất thiết kế 320 MW, sản lượng điện hàng năm 1.084 triệu KWh. Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung và tỉnh Nghệ An.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương liên quan thông báo đến các cấp chính quyền, người dân ở vùng hạ du chủ động các phương án ứng phó, phòng tránh để đảm bảo an toàn về người và tài sản.