![]() |
Chị Trần Thị Thuần Giám đốc HTX Tâm Ngọc. |
Nữ "thuyền trưởng" tiếp lửa khởi nghiệp
xã Sóc Sơn không ai không biết đến HTX Tâm Ngọc, bởi họ không chỉ cung cấp nông sản sạch mà còn khẳng định chỗ đứng trên thị trường trà thảo dược. Đặc biệt hơn, những sản phẩm chất lượng đó được tạo ra bởi những người khuyết tật mà đầu tàu là nữ giám đốc Trần Thị Thuần.
Chị Thuần dáng người nhỏ nhắn, bước đi chân thấp chân cao do bị sốt bại liệt từ nhỏ, những bước chân của chị luôn phải có cây gậy gỗ bên cạnh. Lớn lên chị xin đi làm công ty nhưng không nơi nào nhận, chị phải đi bán hàng rong khắp phố để mưu sinh. Sau khi lập gia đình tưởng như cuộc sống với chị sẽ bớt khổ hơn thì chẳng may chị gặp tai nạn giao thông, trong lúc nằm viện người chồng đã bỏ đi để lại cho chị 2 đứa con thơ.
Nghĩ không thể đi bán hàng rong mãi được, chị bèn nghĩ đến những thửa ruộng bỏ hoang ở quê. Được các cấp Hội phụ nữ truyền lửa khởi nghiệp, chị Thuần đã quyết định thuê lại những thửa ruộng hoang để trồng trà thảo dược, chế biến dạng túi lọc. Và, năm 2019, sau bao lâu thai nghén, Hợp tác xã Tâm Ngọc chính thức được thành lập, do chị Thuần làm giám đốc với số vốn ít ỏi đến từ tiền tiết kiệm của chị bao năm trời.
Khi thành lập HTX với chủ yếu là người khuyết tật, chị Thuần đã phải khéo léo sắp xếp công việc cho mỗi người. Có rất nhiều dạng tật khác nhau như vận động, trí tuệ hơn nữa chị phải ổn định tâm lý cho họ, ngày đầu tiên đến với chị không một người nào lấy lương, mọi người có gì cùng nhau ăn, cùng nhau vượt qua khó khăn, gắn kết với nhau như một gia đình.
![]() |
HTX Tâm Ngọc đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ loại hình chứng nhận chuyển đổi do Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp chứng nhận. |
Chọn hướng đi bền vững
Chị Thuần xác định phải sản xuất nguyên liệu đầu vào sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tuyệt đối không phun thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, chỉ dùng phân sinh học và chế phẩm sinh học. “Chúng tôi sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Các loại thảo dược sau khi thu hoạch cành già, gốc cũ, cỏ đều được thu gom lại và ủ thành phân vi sinh để bón cho vụ sau. Vì vậy, vùng nguyên liệu của HTX Tâm Ngọc đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ loại hình chứng nhận chuyển đổi do Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp chứng nhận”, chị Thuần cho biết.
Những thảo dược đầu tiên được trồng như chè vằng, đinh lăng, cỏ ngọt, hoa nhài…đều được HTX chăm sóc cẩn thận. Trước đó, chị Thuần đã tìm hiểu kỹ các bài thuốc dân gian và áp dụng công nghệ sấy lạnh để sản xuất trà túi lọc, giữ nguyên được hình dạng và dược tính của thảo dược. Sau đó, chị mang sản phẩm đi tiếp thị khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm. “Tuy là sản phẩm hữu cơ, tốt cho sức khỏe và giá thành hợp lý, song lúc đó chúng tôi chưa biết làm thương hiệu nên sản phẩm khó đến tay người tiêu dùng. Nhiều người còn nghĩ chúng tôi đi bán hàng từ thiện khiến việc tiêu thụ trà khá khó khăn”, chị Thuần tâm sự.
![]() |
Chị Thuần giới thiệu sản phẩm với du khách nước ngoài tại Hội chợ. |
Từng bước vượt qua mọi khó khăn, chị Thuần mạnh dạn tham gia chương trình đánh giá Mỗi xã một sản phẩm, kết quả các sản phẩm của HTX đã đáp ứng ngay được các tiêu chí OCOP. Đến nay, HTX đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Tiêu biểu như như, Liên Hoa trà là sự kết hợp giữa chè vằng, lạc tiên, đinh lăng, cỏ ngọt, tâm sen, hoa nhài, hoa cúc có tác dụng tăng tuần hoàn máu não, tăng sức đề kháng, chống căng thẳng thần kinh, giải tỏa lo âu và thải độc cho gan, bảo vệ lá gan người uống, xua tan mất ngủ.
Hay như Cà Gai Leo Trà là sự kết hợp giữa cà gai leo, diệp hạ châu, mật nhân… chứa nhiều hoạt chất có lợi cho gan, giúp giải độc cơ thể và phù hợp với mọi lứa tuổi. Cà Gai Leo Trà còn lọt top 10 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP Hà Nội năm 2020.
Ngoài sản xuất trà theo bài thuốc Đông y, chị Thuần còn tự nghiên cứu để cho ra một số loại trà phục vụ giới trẻ như Thanh Xuân Trà. “Tôi thấy nhiều bạn trẻ do làm việc căng thẳng hay bị mất tập trung, đau đầu nên tôi đã kế thừa kinh nghiệm và nghiên cứu ra Thanh Xuân Trà, đây là loại trà giúp tĩnh tâm, an thần, đặc biệt gìn giữ được thanh xuân, nét trẻ trung trên cơ thể”, chị Thuần cho biết.
Sản phẩm trà thảo dược được sản xuất thuận tự nhiên theo bài thuốc Đông y cổ truyền và áp dụng quy trình nghiêm ngặt. Để trồng trà hữu cơ sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn, song HTX chấp nhận để có được sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
![]() |
HTX Tâm Ngọc là mái nhà chung của gần 50 người khuyết tật. |
Hiện nay doanh thu của HTX Tâm Ngọc đạt hơn 3 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 người, chủ yếu là người khuyết tật tại địa phương với mức lương từ 3 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX là 62ha trong đó ở Sóc Sơn là 12ha và Tuyên Quang là 50ha, 1 cơ sở chế biến.
Anh Nguyễn Văn Long, thành viên HTX Tâm Ngọc chia sẻ: Trước đây tôi là người bình thường nhưng không may gặp tai nạn giao thông và bị liệt mất nửa người và nằm liệt mất mấy năm. Năm 2019 biết đến HTX Tâm Ngọc và tôi đến đây làm việc, ở đây giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống, tự lo được cho bản thân và cảm thấy cuộc sống còn rất ý nghĩa.
Đưa dược liệu Việt Nam vươn xa
Vốn là người khuyết tật nên chị Thuần luôn cố gắng tạo thật nhiều việc làm cho cộng đồng người khuyết tật. Chị đã thành lập thêm chuỗi Spa An Phúc chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược, giải quyết việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ khuyết tật, đồng thời chị còn dạy nghề làm đẹp miễn phí và tạo điều kiện cho chị em nào muốn về quê làm việc.
Bên cạnh trà thảo dược, HTX Tâm Ngọc hiện nay còn trồng nhiều sản phẩm nông nghiệp mô hình hữu cơ khác như 4 hec-ta gạo lứt huyết rồng, khoảng 2 héc-ta các loại rau củ quả như dưa lê, khoai tây, lạc, các loại hoa, ổi và thả gà vườn để tăng thêm nguồn thu cho xã viên. “Dù trồng bất cứ loại nông sản nào chúng tôi đều tuân thủ nguyên tắc hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, đảm bảo cung cấp nông sản sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đó là kim chỉ nam trong sản xuất của HTX suốt những năm qua”, chị Thuần cho biết.
![]() |
Chị Trần Thị Thuần thường làm diễn giả cho các tọa đàm khởi nghiệp. |
Hiện nay, chị Thuần đã xây dựng được nhiều kênh bán hàng hiệu quả trên nền tảng mạng xã hội, các cửa hàng thực phẩm sạch, tiến tới đưa sản phẩm trà thảo dược hữu cơ đi khắp cả nước. Đặc biệt, có những người khách nước ngoài như Mỹ, Pháp ghé thăm hợp tác xã và bày tỏ nhập khẩu sang thị trường nước họ trong thời gian tới. “Thị trường nước ngoài đòi hỏi yêu cầu rất cao, họ tìm hiểu kỹ về quy trình sản xuất hữu cơ, chế biến, dây chuyền đóng gói… Trong thời gian tới, Tâm Ngọc sẽ nỗ lực đưa sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia và hướng tới các thị trường quốc tế”, chị Thuần chia sẻ.